Trong sự phát triển đi lên của tỉnh Ninh Thuận có đóng góp của công tác tư pháp, với điểm sáng là công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Những kết quả đáng ghi nhận
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận có 37 xã, thị trấn, với 124 thôn, khu phố; 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Toàn tỉnh có 34 DTTS, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Chăm, Raglai.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực của đời sống. Trong thành công chung đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác tư pháp, với điểm sáng là công tác phổ biến, giáo dục cho người DTTS.
Để tạo điều kiện cho người DTTS có cơ hội vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách, trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên đối với người DTTS. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật cho người dân tộc về quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của mình là một nhiệm vụ quan trọng.
Hàng năm, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Ninh Thuận thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg và đạt được những kết quả đáng được ghi nhận.
Trong năm 2019, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình: 50 vụ việc đã thực hiện, 50 người được TGPL đã được thụ hưởng. Ngoài ra, Trung tâm còn tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL, tổ chức nhiều đợt truyền thông về TGPL thu hút hàng trăm lượt lượt người tham dự, tư vấn trực tiếp hàng chục vụ việc.
Những tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình: 4 vụ, 4 người được TGPL đã được thụ hưởng. Hỗ trợ học phí cho 2 viên chức tại các địa phương nghèo đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tại tỉnh Khánh Hòa và cam kết làm việc trong lĩnh vực TGPL tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo về.
Nhiều người dân chưa biết được quyền được TGPL
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo về mặt kinh phí hoạt động, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc giúp Trung tâm ngày càng đi vào hoạt động ổn định, nề nếp. Từ đó, khẳng định được vị trí của mình là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ mục đích quản lý Nhà nước hoạt động có hiệu quả, uy tín, chất lượng, người dân hài lòng về chất lượng dịch vụ TGPL.
Công tác TGPL cho người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phối kết hợp chặt chẽ cùng Trung tâm thực hiện TGPL, nhằm cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp những vướng mắc bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Qua đó, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người DTTS, giúp họ tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, để hiểu đúng, hiểu đủ, chấp hành tốt quyền và nghĩa vụ của người công dân, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã giàu đẹp và văn minh hơn.
Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm luôn nêu cao tinh thần phối hợp, chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật và thực hiện TGPL có chất lượng cho những đối tượng thuộc diện được TGPL, đặc biệt là người DTTS cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đáp ứng 100% nhu cầu được TGPL của người được TGPL trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Ninh Thuận nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác TGPL. Vì sinh sống tại vùng sâu, vùng xa nên đồng bào DTTS đi lại khó khăn, ít được tiếp cận với các thông tin về TGPL nên nhiều người chưa biết được quyền được TGPL của mình. Họ cũng chưa mạnh dạn trong việc yêu cầu được hướng dẫn TGPL. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ TGPL miễn phí của Trung tâm.
Do tâm lý truyền thống của người DTTS là giải quyết các vụ việc theo thói quen và phong tục tập quán của dân tộc mình, nên khi quyền lợi bị xâm hại, họ thường tự giải quyết theo phong tục với nhau, không có yêu cầu TGPL.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 15 xã nghèo, 4 xã bãi ngang ven biển và 77 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện được hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước. Theo quy định phải đảm bảo được thực hiện truyền thông về cơ sở ít nhất 1 đợt/xã, thôn/năm. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương cấp cho hoạt động này còn thấp, nên không đảm bảo quyền được tiếp cận dịch vụ pháp lý cho đồng bào DTTS cư trú ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Thiên Thanh
baophapluat.vn