Thực hiện Điều 24, 38 và 42 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành, trong gần hai năm qua (từ 01/4/2005 đến 31/12/2006), công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã thực hiện với những kết quả và tồn tại như sau:
Ngay sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có hiệu lực, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mở các hội nghị triển khai về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân kết hợp với Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản cho các đồi tượng là cán bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, đồng thời phát hành chuyên đề tìm hiểu Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên sách “Bạn và những điều cần biết về pháp luật” của Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến, Giáo dục pháp luật tỉnh.
Từ ngày 01/4/2005 đến 31/12/2006 số văn bản gửi thẩm định và đã được thẩm định trước khi ban hành ở cấp tỉnh là 133 văn bản và ở các huyện, thành phố là 85 văn bản. Nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định trước khi ban hành đều phù hợp với hiến pháp, pháp luật và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, có tính khả thi cao. Trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản của nhiều địa phương đã đảm bảo tương đối đúng với quy định của pháp luật, ngoài việc chú trong đến chất lượng của công tác thẩm định thì các cơ quan Tư pháp luôn chấp hành đúng thời gian trong việc gửi kết quả thẩm định đến cơ quan trưng cầu. và đa số các cơ quan trưng cầu đều nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, nên các văn bản QPPL được ban hành ít có sai sót về hình thức cũng như nội dung.
Tuy nhiên bước đầu thực hiện vẫn còn một số tồn tại và khó khăn như sau:
Cơ sở vật chất và biên chế chuyên trách cho công tác kiểm tra vẫn còn hạn chế, thậm chí có một số cơ quan Tư pháp cấp huyện không có máy vi tính kết nối Internet và không có biên chế chuyên trách cho công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL.
Tỷ lệ văn bản QPPL được thẩm định trước khi ban hành còn thấp, cụ thể là: ở HĐND tỉnh là 100%, UBND tỉnh là 43% và UBND cấp huyện là 8.7%.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Điều 25 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của liên Bộ Tư pháp và Tài chính nên kinh phí hỗ trợ cho công tác này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp hàng năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bổ sung thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.
Hữu Dũng