Tiền Giang: Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020

27/12/2019
Tiền Giang: Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020
Sáng nay - 27/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lê Văn Hưởng đã dự và chủ trì Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Thành viên Hội đồng và Tổ chuyên viên giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hội Công chứng viên tỉnh; đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, các Văn phòng Thừa phát lại cùng phóng viên Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến dự và đưa tin về Hội nghị.  Về phía Sở Tư pháp có Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Nguyễn Thị Đang, các Phó Giám đốc Sở cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.
Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2019, Giám đốc Nguyễn Thị Đang nhận  định: công tác tư pháp trong năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành luôn bám sát với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp trên tinh thần chủ động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Các nhiệm vụ của ngành Tư pháp đã thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh thêm được cấp có thẩm quyền giao, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương; thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản được thực hiện tốt. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn bám sát các sự kiện quan trọng của đất nước và của địa phương. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Việc chuyển đổi các Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng được thực hiện thận trọng từng bước theo lộ trình được phê duyệt. Công tác thanh tra được thực hiện đúng và vượt kế hoạch đề ra. Bộ máy tổ chức được tinh gọn theo kế hoạch được phê duyệt. Ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến...
Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều khó khăn, chưa thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia vào hoạt động này. Việc đánh giá, chấm điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2019 bước đầu còn lúng túng trong cách thức thực hiện. Một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tình trạng vi phạm hành chính còn xảy ra nhiều, chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong một số trường hợp, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Công tác đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi và chứng thực vẫn còn sai sót chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở cơ sở. Số lượng hồ sơ nộp trực tuyến đối với nhiều thủ tục hành chính còn thấp; việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn trễ hạn, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp vẫn còn tồn đọng.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, các Phòng Tư pháp đã thống nhất cao với kết quả công tác tư pháp năm 2019 mà Giám đốc Sở Tư pháp đã trình bày, đồng thời cũng nói thêm về những khó khăn, vướng mắc của công tác tư pháp trong năm 2019 đã gặp phải như: công tác đăng ký hộ tịch ở cơ sở cũng còn sai sót; kinh phí chi bồi dưỡng nhập dữ liệu hộ tịch điện tử còn khó khăn; công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật còn chưa chặt chẽ; xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều khó khăn; một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả còn chậm được nhân rộng…
Đồng tình với các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao công tác tư pháp năm 2019 mà toàn Ngành đã đạt được, đặc biệt là chúc mừng Sở Tư pháp Tiền Giang tiếp tục được Bộ Tư pháp xếp hạng A, dẫn đầu cả nước về công tác tư pháp và được Bộ Tư pháp tặng “Cờ thi đua ngành Tư pháp”. Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch Lê Văn Hưởng cũng chỉ ra những hạn chế mà công tác tư pháp còn gặp phải như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi thực hiện còn hình thức, chưa phong phú về nội dung, cách thức thực hiện còn chậm đổi mới; xử lý vi phạm hành chính cũng còn hạn chế, bất cập; quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, nhất là đăng ký hộ tịch ở cơ sở cũng còn sai sót.
Nhất trí về dự kiến phương hướng, nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đề nghị toàn ngành Tư pháp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu là: kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thi hành đúng và nghiêm pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và năng lực đội ngũ công chức, viên chức tư pháp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như trong thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả công việc; giữ vững danh hiệu thi đua đã đạt được trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác tư pháp, pháp chế, trong đó cần tập trung tham mưu UBND tỉnh trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.
Thay mặt lãnh đạo Sở, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Đang hứa sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng và sẽ phối hợp cùng các Sở, ngành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế tại địa phương. Cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Giám đốc Nguyễn Thị Đang cũng cảm ơn sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ tư pháp.
Cũng tại Hội nghị này, Giám đốc Sở Tư pháp đã tặng Giấy khen cho 03 Phòng Tư pháp có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu công tác tư pháp năm 2019 của các huyện, thành phố, thị xã, gồm: Phòng Tư pháp huyện Gò Công Đông (hạng Nhất), Tân Phú Đông (hạng Nhì), thành phố Mỹ Tho (hạng Ba); đồng thời phát động phong trào thi đua năm 2020./.
Lê Phú Tân, STP Tiền Giang