Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên, trên cơ sở Quy chế phối hợp liên Ngành số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS, trong thời gian qua các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao hiệu quả thi hành án trong lĩnh vực này, qua đó góp phần tích cực lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay và khơi thông nguồn lực tài chính trên địa bàn tỉnh.
Ngày 03/7/2019, Cục THADS tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng, ngân hàng. Đến dự hội nghị có Chi cục trưởng, các Chấp hành viên 08 địa bàn có án tín dụng, ngân hàng và gần 20 tổ chức tín dụng có nợ xấu trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, 09 tháng đầu năm 2019, tổng số án thi hành cho tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 103 việc tương ứng với gần 190 tỷ đồng, chiếm 1,24% về việc và 38,42% về tiền trong tổng số việc và tiền phải thi hành của tỉnh. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 59 việc tương ứng với gần 170 tỷ đồng. Thi hành xong 08 việc tương ứng với trên 20 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,7 % về việc và 10,66% về tiền. Các địa bàn có lượng án loại này lớn là TP. Thái Nguyên có 53 việc tương ứng với gần 104 tỷ đồng, TP. Sông Công có 23 việc tương ứng với trên 60 tỷ đồng và tỉnh có 12 việc tương ứng với gần 8 tỷ đồng.
Nhiều khó khăn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các tổ chức tín dụng tích cực, chủ động phòng ngừa và tự xử lý nợ xấu phát sinh. Đặc biệt, Điều 7 Nghị quyết lần đầu tiên cho phép các tổ chức tín dụng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an, có quyền thu giữ tài sản để xử lý, bán nợ hoặc phát mại để bảo đảm cho khoản nợ xấu. Như vậy, sau khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14, về cơ bản các khoản nợ xấu do cơ quan THADS thực hiện đều sau khi các tổ chức tín dụng có khó khăn, vướng mắc, tính chất vụ việc phức tạp không thể tự xử lý theo Nghị quyết.
Tại Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc nêu trên, nhiều khó khăn vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng trên địa bàn đã được tập trung làm rõ, điển hình như:
- Giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế của tài sản nên phải đấu giá nhiều lần, khi xử lý tài sản bảo đảm chỉ thu hồi được một phần nhỏ so với hợp đồng thế chấp, điển hình như vụ Trịnh Văn Đức thi hành cho Ngân hàng đầu tư giảm giá 09 lần nhưng không có người mua hay vụ Vũ Mai Phương thanh toán cho Ngân hàng Công thương gần 17 tỷ đồng nhưng tài sản thế chấp định giá được trên 6,5 tỷ đồng, đã giảm giá 2 lần nhưng chưa có người mua...
- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng khi xử lý phát sinh tài sản trên đất như có nhà của người khác xây dựng trước thời điểm Ngân hàng cho vay… dẫn đến vụ việc bị kéo dài như vụ Minh Trang Linh thi hành cho Ngân hàng Đông Á; vụ An Xuân Bình, Trần Thị Thái thi hành cho ngân hàng Công thương…
- Tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế và hiện trạng tài sản, một số tài sản là đất không có lối đi do vậy làm giảm giá trị, bán không ai mua như vụ Hoàng Công Cường, Phạm Thị Lan thi hành án cho Ngân hàng Quốc tế, vụ Công ty Dũng Khánh thi hành cho Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng...
- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất đã có quyết định thu hồi, đền bù của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng việc đền bù chưa được thực hiện như vụ Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Mạnh Hùng thi hành cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Định Hóa số tiền hơn 01 tỷ đồng từ giữa năm 2017, vụ Vũ Mai Phương thi hành cho Ngân hàng Công Thương Việt Nam tài sản bảo đảm ở tổ 24, phường Phan Đình Phùng nằm trong dự án khu đô thị Hồ Xương Rồng TPTN…
- Ý thức chấp hành bản án, quyết định của Tòa án của người phải thi hành án chưa cao, có hiện tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án như không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên định giá, bán đấu giá, thay đổi hiện trạng...
- Một số trường hợp, người phải thi hành án, người đang sử dụng tài sản bảo đảm là người già, ốm đau, bệnh tật...nên về mặt dư luận xã hội không thể tổ chức cưỡng chế như vụ Dương Tân Thành thi hành cho ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Định Hóa, người phải thi hành án 75 tuổi, thường xuyên điều trị tại bệnh viện; vụ Công ty Thùy Linh thi hành cho ngân hàng Đông Á, hoàn cảnh gia đình người ở trên đất thế chấp rất khó khăn, có 6 khẩu, mẹ già ốm yếu bị bệnh tim thường xuyên cấp cứu...
- Một số việc hiện nay đang có tranh chấp tài sản kê biên Tòa án đang thụ lý gồm 03 việc với số tiền trên 6 tỷ đồng, theo thủ tục phá sản 02 việc với số tiền gần 19 tỷ nên vụ việc phải kéo dài như vụ Công ty cán thép Gia Sàng, vụ Bùi Xuân Hải, Nông Thị Ngoan thi hành cho ngân hàng Quốc tế…
Các tổ chức tín dụng cần đồng hành cùng cơ quan THADS
Một số nguyên nhân chủ quan từ phía các tổ chức tín dụng thời gian qua cũng được phân tích, nêu rõ như công tác phối hợp của tổ chức tín dụng chưa tích cực, còn trường hợp cử cán bộ phối hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn
; chưa tích cực phối hợp trong việc tìm khách mua tài sản kê biên bán đấu giá; đề nghị định giá lại tài sản nhiều lần không có căn cứ; có văn bản cho người phải thi hành án hoãn, tạm dừng để thỏa thuận; không tích cực tham gia xử lý dứt điểm tài sản vì không muốn bán tài sản ở mức giá do tổ chức thẩm định giá thực hiện, có trường hợp yêu cầu giảm giá mức dưới 10% làm kéo dài thời gian thi hành án. Trong trường hợp không bán được tài sản thì tổ chức tín dụng còn chưa tích cực trong việc nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án theo Khoản 2 Điều 104 Luật THADS…
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Xuân Tùng yêu cầu các cơ quan THADS, các Chấp hành viên tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung nguồn lực, tổ chức công việc quyết liệt, khoa học, hợp lý, chặt chẽ qua đó nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi nợ xấu. Kiên quyết không để tình trạng ách tắc trong việc xử lý các vụ việc loại này. Đồng chí Cục trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ; đề nghị các tổ chức tín dụng với trách nhiệm là chủ nợ cần tiếp tục có biện pháp đảm bảo chính sách an toàn tín dụng, đặc biệt tại khâu thẩm định cho vay; chủ động bảo vệ quyền lợi ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng; rút kinh nghiệm trong một số khâu của công tác phối hợp, đồng thời, tích cực đồng hành với các cơ quan THADS nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Xuân Bách