Nghệ An nhiều kết quả nổi bật trong công tác Hành chính tư pháp

19/02/2019


Những kết quả ghi nhận
Trong năm qua, công tác hành chính tư pháp đã ghi nhiều dấu ấn mang tính đột phá trong công tác quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành tư pháp.  
Sau gần 03 năm thực hiện Luật Hộ tịch đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, nhìn chung công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã đi vào nền nếp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này được đẩy mạnh và đạt kết quả cao. Để đánh giá một cách toàn diện kết quả thi hành Luật trên địa bàn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành gắn với đánh giá kết quả triển khai phần mềm điện tử hộ tịch dùng chung và tôn vinh Hộ tịch viên giỏi; ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 17/8/2018 về việc tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh trong đó giao cho các Sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, xã thực hiện nghiêm túc pháp luật về hộ tịch, đáp ứng yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân.
Từ đầu năm 2018, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận từ Bộ Tư pháp việc chuyển giao quản lý tài khoản người dùng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; giải quyết kinh phí trang bị 381 máy vi tính và 251 máy in có chất lượng để phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác hộ tịch được chú trọng. Sở Tư pháp đã thanh tra công tác hộ tịch chứng thực tại 07 huyện, 14 đơn vị cấp xã; phối hợp với Đoàn thanh tra của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp thanh tra công tác hộ tịch tại một số đơn vị ;Việc liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế đã có sự quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình làm hồ sơ, giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
  Về công tác quốc tịch để thực hiện Đề án thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam – Lào và Biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa Sở Tư pháp Nghệ An và Sở Tư pháp Xiêng khoảng ký năm 2017, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1641/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND tỉnh về việc cử cán bộ làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) về vấn đề di cư tự do kết hôn không giá thú vùng biên giới hai nước, thảo luận các nội dung hợp tác mới từ nay đến năm 2020. Sở Tư pháp đã tham dự hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới với Lào tổ chức tại Viêng- Chăn (Lào); thực hiện ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Sở Tư pháp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).Trong năm 2018, Sở Tư pháp đã xác nhận có quốc tịch gốc Việt Nam cho 03 trường hợp.
 Về công tác chứng thực năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại điểm cầu tỉnh Nghệ An Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng giao dịch. Việc tiếp nhận và giải quyết các việc về chứng thực tại các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn đã được Phòng Tư pháp; Tư pháp xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với bộ phận “Một cửa” giải quyết kịp thời theo tinh thần cải cách hành chính. Việc thu, nộp và quản lý lệ phí được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Cải cách thủ tục hành chính trong Công tác Lý lịch tư pháp được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Tư pháp, Công an trong việc xác minh thông tin lý lịch tư pháp nhờ đó việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đảm bảo đúng thời gian và tính chính xác theo quy định của pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu cho người dân và tổ chức có nhu cầu. Năm 2018, Sở đã thụ lý và cấp 24.625 hồ sơ yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp, tăng 1,38 lần so với cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 thụ lý: 17.784 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu); Cập nhật 3324 hồ sơ, trong đó 8736 thông tin lý lịch tư pháp, bao gồm 4096 bản án và 4640 quyết định thi hành án; xóa án tích cho 745 trường hợp.
 Nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài một cách đồng bộ, có hiệu quả, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1012/QĐ-UBNDngày 23/3/2018 về Quy chế phối hợp trong công tác nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 173/KH – UBND, ngày 23/03/2018 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An; phối hợp với Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi và các Điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và quyền trẻ em cho hơn 500 đại biểu là cán bộ công chức tham mưu công tác đăng ký nuôi con nuôi. Trong năm 2018, đã phối hợp với các ngành giải quyết 03 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đảm bảo quy định của pháp luật. Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động -Thương binh & Xã hội làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam về khảo sát tình hình nuôi con nuôi trong nước, nước ngoài và bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm năm chú trọng các nhiệm vụ tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Công tác bồi thường nhà nước đã phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh cho hơn 300 cán bộ tòa án, viện kiểm sát, cán bộ tư pháp cấp huyện, cán bộ lãnh đạo cấp huyện, đại diện các cơ quan sở ban ngành liên quan.
 Vẫn còn những hạn chế khó khăn
Bên cạnh những kết qủa đạt được công tác hành chính tư pháp vẫn còn những hạn chế, khó khăn như một số nhiệm vụ cần có sự phối hợp với các ngành có liên quan như cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài... nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ nên hiệu quả công việc chưa cao.
 Xóa án tích trong trường hợp đương nhiên là một nhiệm vụ mới, nhưng chưa có văn bản quy phạm nào quy định cơ chế thực hiện nên trên thực tế còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện.
 Những giải pháp và kiến nghị
       Về công tác cấp phiếu Lý lịch tư pháp: Nghệ An là một tỉnh lớn, dân số đông, số lượng cấp phiếu lý lịch tư pháp hàng năm rất lớn từ 15.000 đến 20.000 phiếu, số lượng thông tin LLTP phải cập nhập để xây dựng cơ sở dữ liệu rất lớn nhưng số nhân sự bố trí thực hiện nhiệm vụ này quá ít so với yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp cho Sở thành lập Phòng Lý lịch tư pháp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
           Về thực hiện nhiệm vụ đương nhiên xóa án tích: Căn cứ Bộ luật hình sự năm 2015  trong đó giao Sở Tư pháp căn cứ vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để xác minh tình trạng đương nhiên xóa án tích theo quy định cho cá nhân có yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để bảo đảm nguồn nhân lực và các điều kiện khác phục vụ cho công tác này. Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế phù hợp, bố trí cán bộ, hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực này để Sở Tư pháp được bảo đảm các điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao.
 NQA