Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, ngày 31/5/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2203/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nhằm mục đích đánh giá những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện chiến lược. Qua đó đánh giá, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược. Vửa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư trên địa bàn đến năm 2020; tham dự hội nghị có đại diện: các ban ngành có liên quan: Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; Lãnh đạo Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; Hội luật gia tỉnh, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư; các luật sư trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Quốc Hào giám đốc sở dự và chủ trì hội nghị ;
Đồng chí Nguyễn thị Quế Anh, PGĐ sở báo cáo kết quả 05 năm triển khai Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh đánh giá kết quả các nhiệm vụ về đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hoàn thiện chính sách về luật sư và hành nghề luật sư. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Phát triển hoạt động hành nghề luật sư. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; nâng cao tính tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
Xác định để tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển nghề luật sư, trước hết là thực hiện công tác tuyên truyền và hoàn thiện chính sách về luật sư và hành nghề luật sư và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Với trách nhiệm vai trò cơ quan tham mưu quản lý nhà nước, trên cơ sở trách nhiệm được giao,Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các nội dung cơ bản của Luật Luật sư và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, lồng ghép tuyên truyền các nội dung của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 bằng nhiều hình thức, cụ thể; Các cơ quan: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Đoàn luật sư trong phạm vi trách nhiệm của mình đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp
Với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, đa dạng, việc tổ chức quán triệt Luật luật sư và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật sư.
Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cử nhân luật trên địa bàn tỉnh được tham gia đào tạo nghề luật sư, Đoàn luật sư đã phối hợp với Học viện tư pháp tổ chức 02 lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư ; phối hợp với các Đoàn luật sư Quảng Bình; Huế; Quảng Trị; Thanh Hóa; Ninh Bình; Hà Nam; Bắc Ninh; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Quảng Ninh… tổ chức các đợt bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cho các luật sư của Đoàn.Đoàn luật sư đã phối hợp với Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, cử luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho các bị can, bị cáo theo quy định, 100% các bị can, bị cáo thuộc đối tượng chỉ định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đảm bảo được quyền bào chữa trong quá trình giải quyết vụ án. Nhằm đảm bảo quyền lợi của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có các biện pháp hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ, điều tra viên về sự tham gia của Luật sư bào chữa trong giai đoạn điều tra.
Nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực luật sư đạt hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực luật sư; tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư. Thông qua quá trình kiểm tra kịp thời đề ra phương hướng giải quyết, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự kỷ cương hành nghề, bảo vệ uy tín, thương hiệu cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Với nhiều giải pháp đồng bộ nên các tổ chức luật sư ngày các phát triển. Đến tháng 10/2018, trên địa bàn tỉnh có 35 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 28 Văn phòng luật sư, 07 Công ty luật với 124 Luật sư đang hành nghề. Từ năm 2013 đến tháng 6/2018, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện được 7.357 vụ việc, thu được 14.638.651.892 đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.203.175.478 đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau: Công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của luật sư còn mang tính mùa vụ, thiếu thường xuyên do vậy chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất, còn có một số trường hợp luật sư chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ quá trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luật sư. So với chỉ tiêu đề ra, việc phát triển các tổ chức hành nghề luật sư còn chậm. Các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu đặt trên địa bàn thành phố. Tại các huyện chỉ có một số Chi nhánh và Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư nên chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân khi có nhu cầu tư vấn. Chưa xây dựng được Quy chế phối hợp trong công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư giữa Sở Tư pháp và Đoàn luật sư. Đoàn luật sư chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tập sự hành nghề luật sư. Việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư vẫn chưa được một số luật sư nhận thức đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác trong hoạt động hành nghề. Nhiều luật sư chưa xây dựng được tác phong chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề luật sư; chưa thật sự chú ý đến việc rèn luyện, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư chưa được chú trọng đúng mức.
Tại hội nghị nhiều đại biểu các ngành tham luận chỉ ra những hạn chế tồn tại nguyên nhân và giải pháp nằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư trong thời gian tới; Kết luận hội nghị đồng chí Hoàng quốc Hào giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau: Đề nghị các cơ quan, tổ chức tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 với nhiều biện pháp cụ thể như:
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan đến các cơ quan, tổ chức và từng đối tượng người dân.
Tham mưu UBND tỉnh Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chiến lược theo đúng tiến độ, thời gian đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực luật sư gắn với công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, hạn chế, tồn tại của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2018-2023. Phối hợp với Đoàn luật sư và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý nhà nước về công tác luật sư trên địa bàn tỉnh để quản lý có hiệu quả về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. Có cơ chế khen thưởng, tôn vinh xứng đáng để khuyến khích các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nâng cao chất lượng hành nghề, giữ gìn uy tín, đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện tốt việc đánh giá, sơ kết hàng năm, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện tốt các nội dung Chiến lược đề ra. Rà soát, kịp thời kiến nghị sửa đổi bổ sung những hạn chế, bất cập của pháp luật trong quá trình thực hiện Chiến lược.
Nguyễn Quế Anh – Sở Tư pháp Nghệ An