Vĩnh Phúc: Sau 3 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn 2016-2020

25/09/2018
Công cuộc cải cách tư pháp (CCTP) trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược CCTP đến năm 2020”, Tư pháp Vĩnh Phúc xác định CCTP là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp, đã thể hiện trên các mặt nổi bật sau đây:
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cải cách tư pháp được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực có hiệu quả và hiệu lực cao: Sở Tư pháp đã đăng tải các văn bản pháp luật, các bài viết, các câu hỏi đáp pháp luật trên bản tin tư pháp; xây dựng và phát hành chuyên mục đĩa CD, lồng ghép với các nội dung để xây dựng sách hỏi đáp pháp luật có nội dung về CCTP. Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình của tỉnh, Báo Vĩnh Phúc xây dựng và phát gần 200 chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “giới thiệu văn bản” phản ánh tình hình chấp hành và thực hiện pháp luật, trong đó có pháp luật về CCTP và tổ chức các lớp tập huấn và kiến thức pháp luật về CCTP triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đưa nghị quyết đi vào đời sống xã hội: Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013, thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành nhất là các luật liên quan đến CCTP như Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015, tổ chức hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015....  đã góp phần xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, công khai minh bạch, ổn định. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Việc quán triệt thi hành và tập huấn Bộ luật hình sự kịp thời nhằm đưa các quy định của Bộ luật Hình sự vào thực tế cuộc sống.
Cơ quan bổ trợ tư pháp và đội ngũ bổ trợ tư pháp ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp: Đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu hội nhập, vai trò tự quản của Luật sư từng bước được củng cố đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ cải cách tư pháp (trên địa bàn tỉnh có 40 luật sư hoạt động trong 17 tổ chức hành nghề luật sư, 100% số luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên; 96% số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư.; Các tổ chức giám định công lập và các giám định viên đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng giám định đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; Chủ trương xã hội hóa công chứng, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động đã cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của công dân, tổ chức và doanh nghiệp và yêu cầu của cải cách tư pháp với 48 công chứng viên hoạt động trong 24 tổ chức hành nghề công chứng; Hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương, số lượng và chất lượng tổ chức đấu giá và đấu giá viên được nâng cao, toàn tỉnh đã có 17 tổ chức hành nghề đấu giá với 30 đấu giá viên; Việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại ở tỉnh trong thời gian qua đã bước đầu đạt được kết quả tốt, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.
Triển khai thực hiện thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Công tác triển khai Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước được phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ vai trò, trách nhiệm, ý thức tôn trọng người dân, tận tụy với công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện đúng tư cách của người cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quá trình cải cách tư pháp: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở có trình độ chuyên môn khá cao, với 02 đồng chí có trình độ tiến sỹ; 23 Thạc sỹ, 33 cử nhân; 8 cao đẳng và trình độ khác, cơ cấu cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành. Thực hiện chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, Sở Tư pháp đã thực hiện chuyển đổi 02 Phòng Công chứng thành Văn Phòng Công chứng (Giảm 2/5 đơn vị sự nghiệp). Tính đến ngày 01/7/2018 đã thực hiện giảm 14 biên chế, trong đó có 5 công chức, 07 viên chức, 02 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐCP vượt chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016 – 2021. Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp, pháp chế trên địa bàn tỉnh cơ bản có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ công tác.
Trong giai đoạn 2016-2020, sau 3 năm triển khai thực hiện chiến lược CCTP, những kết quả đạt được trên đây của Ngành Tư pháp Vĩnh Phúc rất đáng khích lệ. Song với yêu cầu đẩy mạnh quá trình CCTP đòi hỏi Tư pháp Vĩnh Phúc cần tăng cường đẩy nhanh về tiến độ, nâng cao về chất lượng trong lĩnh vực tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chiến lược CCTP.
                                                                                                Thu Hoàng