Sở Tư pháp Quảng Ngãi sơ kết 01 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

08/05/2007
Sau một năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Sở Tư pháp đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sở đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quy mô cấp tỉnh triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho gần 200 đại biểu là cán bộ lãnh đạo của các Sở, Ban, ngành và huyện, thành phố trong tỉnh tham dự, sau đó, tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức triển khai sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức ở hầu hết các huyện, thành phố và các Sở, Ban, ngành của tỉnh. Ngoài ra, Sở chỉ đạo thực hiện việc phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, chú trọng phổ biến các quy định về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân qua 17 trợ đợt giúp pháp lý lưu động tại 40 xã trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; In 10.000 tờ rơi nội dung tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cấp phát cho cơ sở; kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”...

Đối với trong ngành, Sở Tư pháp xây dựng Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của ngành trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách thức và phương pháp tổ chức thực hiện cụ thể. Tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức trong ngành, trong đó đặc biệt chú trọng những văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong việc thi hành công vụ, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở trong việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý Sở tổ chức họp, thông báo công khai cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan biết về tình hình chi tiêu ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản của Sở. Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng thường xuyên phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình trong cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết việc khiếu nại, tố cáo nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng; triệt để công khai minh bạch trong hoạt động tài chính của cơ quan; xây dựng và chỉ đạo toàn ngành xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định tại Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước nên đã tạo chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức của ngành trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được Sở Tư pháp chỉ đạo toàn ngành quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội./.

Thanh Ngọc