Vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3890/QĐ-UBND ban hành kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch tập trung vào các nội dung trọng tâm như: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính, công tác thống kê, báo cáo, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra lien ngành để tổ chức thực hiện kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư vào quý III-2018; triển khai thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hoàn thiện Chuyên mục đăng tải thông tin tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trên Cổng thông tin điện tử tỉnh..
Cũng tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, phát hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn thì có văn bản báo cáo kiến nghị đến UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết.
Tăng cường phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3877/QĐ-UBND ngày 20/12/2017 Quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy chế này, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc: khách quan, công khai, minh bạch; thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật, không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định; huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và Nhân dân.
Hình thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm: xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm; báo cáo của các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực trọng tâm hàng năm; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Nội dung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật và xây dựng báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh…
Hải Dương