Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20 tháng 6 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Nhằm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, ngày 31 tháng 11 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 3135/KH-UBND triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.
Các nội dung công việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý được Kế hoạch quy định một cách chi tiết, rõ ràng cụ thể gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ngành có liên quan, trong đó Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch này trên địa bàn tỉnh kịp thời, đồng bộ và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan với nhau.
Kế hoạch đã đề ra những nội dung quan trọng bước đầu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tại địa phương như: Tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; Nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, thiết lập mục riêng cho hoạt động trợ giúp pháp lý; Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; Rà soát người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn; Cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn và các thủ tục hành chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp bố trí kinh phí hàng năm về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý. Sở Lao động - Thương binh & xã hội, Sở Y tế và Cục Thống kê có trách nhiệm cung cấp số liệu, danh sách người thuộc diện được trợ giúp pháp lý sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi ngành mình quản lý để Sở Tư pháp thống kê, rà soát theo quy định. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, thường xuyên tuyên truyền phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do đơn vị mình quản lý và giới thiệu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu để được trợ giúp pháp lý.
Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện Kế hoạch trong phạm vi, nhiệm vụ của ngành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và phối hợp hiệu quả về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Các đơn vị có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ theo quy định./.
Ngọc Linh