Hòa Bình: Công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC - bất cập pháp luật cần tháo gỡ

11/12/2017
Trong năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình thi hành pháp về XLVPHC trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại Hạt Kiểm lâm các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính (Sở Công thương kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.543 vụ vi phạm hành chính (tỷ lệ 100%); Sở Giao thông vận tải kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.394 vụ (tỷ lệ 100%); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, phát hiện 123 vụ vi phạm ( xử lý 122 vụ, chuyển xử lý bằng hình thức khác: 01vụ)… Một số đơn vị như: Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình;  Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 20 cuộc thanh tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC tại một số địa phương, đơn vị, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong ngành và lĩnh vực.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra và XLVPHC, nhưng năm 2017 số vụ VPHC trong tỉnh vẫn xảy ra 29.646 vụ với 28.737 đối tượng bị xử phạt là gồm 2.060 tổ chức, 26.677 cá nhân. Các lĩnh vực xảy ra VPHC nhiều nhất là trật tự an toàn giao thông 16.001 vụ; quản lý hành chính về trật tự xã hội 1.223 vụ; giao thông vận tải 1.394 vụ; công thương 1.543 vụ; kiểm lâm 123 vụ; tài nguyên môi trường 48 vụ và 9.314 vụ thuộc các ĩnh vực khác. Trong số này, có 4.457 vụ VPHC thuộc thẩm quyền của các chủ thể XLVPHC trong phạm vi từ tỉnh đến cấp xã (tăng 965 vụ so với năm 2016); đã xử phạt 4.430 vụ, chưa xử phạt 09 vụ; chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự  17 vụ, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 01 vụ. Tổng số đối tượng bị xử phạt là 4.804 (gồm 774 tổ chức, 4.030 cá nhân), tăng 1.145 đối tượng so với năm 2016. Các chủ thể có thẩm quyền đã ban hành 4.719 quyết định XPVPHC (tăng 1.383 quyết định so với  năm 2016); đã thi hành xong: 4.219 quyết định (tăng 1.286 quyết định so với năm 2016); Thu 11 tỷ 786 triệu 578 ngàn đồng tiền phạt và 605 triệu 330 ngàn đồng bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch. Hiện còn 500 quyết định (chủ yếu trong lĩnh vực giao thông vận tải) chưa thi hành (do đối tượng không có khả năng thi hành hoặc trốn tránh việc thi hành). Các chủ thể XPVPHC cũng đã xem xét, quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền với 27 quyết định XPVPHC.
Về áp dụng các biện pháp XLHC,  năm 2017 toàn tỉnh có 708 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp XLHC (tăng 288 đối tượng so với năm 2016). Trong đó có 485 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại cấp xã (tăng 261 đối tượng so với năm 2016); 214 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tăng 49 đối tượng so với năm 2016); 03 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng và 06 đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (giảm 22 đối tượng so với năm 2016).
Lý giải về nguyên nhân gia tăng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc so với năm 2016, bà Bùi Thị Thúy Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình cho biết: Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác lập, kiểm tra và đối chiếu hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC theo các quy định của pháp luật, rong đó Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thống nhất quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền về các loại tài liệu chưa có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và xây dựng Bộ hồ sơ mẫu đề nghị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 136/2016/NĐ-CP, giúp giảm thiểu thời gian lập hồ sơ.
Năm 2017, có 688 đối tượng bị áp dụng các biện pháp XLHC (gồm 466 đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã theo quyết định của UBND cấp xã  (chiếm 67,7%) và 222 đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC theo quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện (chiếm 32,3%). Đáng chú ý, trong số 222 đối tượng đang chấp hành quyết định áp dụng các biện pháp XLHC của Tòa án nhân dân cấp huyện, có 14 đối tượng đã được giảm thời hạn chấp hành quyết định; không có quyết định nào bị khiếu nại, khởi kiện.
Thực tiễn thi hành pháp luật về XLHC trong tỉnh Hòa Bình hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
Một là: Luật XLVPHC quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương, chỉ đạo các Sở, ban, ngành cung cấp thông tin để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính nhưng tỉnh chưa thực hiện được do Trung ương chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC nên không thể chia sẻ/khai thác thông tin các đối tượng VPHC dẫn đến khó xác định đối với những trường hợp VPHC nhiều lần, tái phạm (là tình tiết tăng nặng trong quá trình XLVPHC). Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính (quy định tại Điều 122, Luật XLVPHC chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác), nhưng trên thực tế còn một số trường hợp nữa cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn này như: đối tượng đang trộm cắp tài sản, đánh bạc, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác…nhưng chưa được quy định trong Luật XLVPHC; trong khi các vụ vi phạm này cần có thời gian để cơ quan Công an làm rõ hành vi, xác định mức độ thiệt hại hoặc xác minh nhân thân của đối tượng để xử lý đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là những đối tượng không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý đối tượng.
Hai là: Quy định về mức xử phạt đối với các hành vi XLVPHC trong một số trường hợp chưa tương xứng với hậu quả của hành vi vi phạm gây ra, nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Ba là: Điều 17 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định về việc truy tìm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn, trong đó quy định về trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở và trường hợp người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn. Nhưng Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn về biểu mẫu áp dụng đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gây lúng túng cho cơ quan Công an khi thực hiện truy tìm đối tượng;
Bốn là: Quá trình triển khai thực hiện các biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng và đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện công tác này chưa đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật và môi trường phát triển kinh tế, xã hội.
Trong hoạt động quản lý, giáo dục đối tượng, mặc dù  đã có sự phân công cá nhân, tổ chức, đoàn thể trực tiếp quản lý giáo dục đối tượng nhưng thực tế còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hiện nay chưa có quy định chế độ, chính sách cho người được phân công quản lý, giáo dục đối tượng, cũng như trách nhiệm trong trường hợp để đối tượng vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về nơi quản lý đối tượng sau khi đối tượng hết thời hạn hoặc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn giảm chấp hành phần thời gian còn lại đối với đối tượng lang thang, không có nơi cư trú ổn định.
Năm là: Kinh phí bảo đảm thực hiện công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT- BTC – BLĐTBXH ngày 08/10/2014 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động Xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn chưa bảo đảm, nhiều nội dung chi còn thấp hoặc chưa được quy định tại Thông tư.
Những bất cập này, rất cần được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tháo gỡ để việc thực thi Luật XLVPHC phát huy hết hiệu quả trên thực tế, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển./.
Minh Ngọc