Để triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 111/KH- UBND về thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017, một trong các lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn để tập trung theo dõi là: Tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với một số Ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai theo dõi tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh đôn đốc, hướng dẫn các Ngành có liên quan và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, trong đó lựa chọn nội dung tập trung theo dõi là tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Sau khi Kế hoạch được ban hành, các Ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch theo yêu cầu.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo Sở Tư pháp làm trưởng đoàn để tiến hành các hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các huyện: Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh. UBND các huyện, thị còn lại phối hợp xây dựng Báo cáo về công tác theo dõi thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn về Sở Tư pháp nắm bắt, tổng hợp.
Qua kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát, việc thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho thấy các ngành các cấp đã tổ chức quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều giải pháp động bộ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo kịp thời và được cơ sở thực hiện nghiêm túc.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đồng thời áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau như giáo dục thuyết phục, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vay vốn, sản xuất kinh doanh…vì vậy công tác giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã thu được những kết quả tích cực, việc áp dụng biện pháp này đã góp phần giám sát, ngăn ngừa đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội và giúp họ sửa chữa sai lầm, hoà nhập với cộng đồng nơi cư trú.
Trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập 1446 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong đó: Số đối tượng có quyết định áp dụng: 1446 đối tượng; Số đối tượng đã thi hành quyết định: 447 đối tượng; Số đối tượng đã thi hành xong: 969 đối tượng
Nhìn chung quy trình, thủ tục lập hồ sơ đề nghị, ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các đối tượng được lập hồ sơ đề nghị; thời hiệu, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luât. Đã tổ chức, triển khai và thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thực hiện giáo dục, giúp đỡ người phải thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội
Những vướng mắc và tồn tại hạn chế :
Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ về lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại một số địa phương chưa kịp thời; Việc cảm hoá, giáo dục, vận động đối tượng của một số ngành, đoàn thể tại địa phương còn chưa được thường xuyên và liên tục; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế; bên cạnh đó một bộ phận nhân dân, nhất là đối với những gia đình có con em vi phạm còn ngại trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương dẫn đến không phát huy được hiệu quả của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, các đối tượng sau đó lại tiếp tục vi phạm, gây ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và tình hình an ninh trật tự của địa phương. Nhìn chung số lượng đối tượng bị áp dụng vẫn còn thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này chưa cao, hầu hết các trường hợp chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn một thời gian ngắn sau đó lại bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng…
Một số hồ sơ còn thiếu văn bản đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ.
Một số hồ sơ chưa thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đề nghị xây dựng hồ sơ, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ (thông tin hồ sơ về hành vi vi phạm, xác định độ tuổi, xác định nơi cứ trú….)
Nguyên nhân của những hạn chế là do Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương cấp xã chưa thực sự vào cuộc trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó là do vướng mắc về thể chế: Một số thủ tục quy định tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ chưa được triển khai hoặc triển khai một cách hình thức như: tham khảo ý kiến của công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách công tác trẻ em hoặc cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em về đặc điểm, hoàn cảnh của người chưa thành niên; phân công người trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục; tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý với người được giáo dục.
Theo quy định tại Điểm h, Khoản 5, Điều 18 Nghị định 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 1 Nghị định 56/2016/NĐ-CP) thì người nghiện ma túy thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ngoài việc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn phải lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc tổ chức cho các đối tượng cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng không mang lại hiệu quả cao, tỉ lệ có nguy cơ tái nghiện cao.
- Quy định tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP về đối tượng vi phạm phải có mặt tại Hội đồng xét duyệt để xét duyệt và công bố biện pháp giáo dục tại phường là khó thực hiện được. Bởi vì, một số đối tượng vi phạm bị triệu tập nhưng cố tình trốn tránh không chịu hợp tác, trong khi đó Nghị định không có chế tài xử lý những hành vi trốn tránh này.
- Việc quản lý nơi cư trú, đi lại, vắng mặt của người được giáo dục theo Điều 33, 34 của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn, chỉ áp dụng được đối với trường hợp tự nguyện khai báo vắng mặt. Trường hợp cố tình vắng mặt, di chuyển chỗ ở thì rất khó quản lý.
- Với điều kiện “ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong 06 tháng” theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2013/NĐ-CP dẫn đến trong một số trường hợp việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại phường gặp khó khăn, vướng mắc.
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 111/2013/NĐ-CP thì “trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục”. Trên thực tế cuộc họp rất khó có thể tổ chức được, vì theo quy định “trường hợp người được giáo dục vắng mặt thì phải hoãn cuộc họp”, hầu hết các đối tượng nêu trên đều cố tình trốn tránh, lẩn trốn để không tham gia cuộc họp và tiếp tục các hành vi vi phạm ngoài xã hội.
- Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại tại phường theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ từ 3-6 tháng; trong khi đó Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là từ 6 - 12 tháng. Do đó, sau khi áp dụng xong biện pháp giáo dục tại phường thì đối tượng vẫn áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng trong thời gian cai nghiện này, đối tượng vẫn tiếp tục tái nghiện thì địa phương không thể đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc do vẫn còn trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
- Hiện nay pháp luật không quy định hướng xử lý đối với những đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong mà vẫn tiếp tục vi phạm. Do đó, địa phương không biết xử lý theo hướng nào: áp dụng từ đầu theo quy trình hay xem việc tái phạm là tình tiết tăng nặng để áp dụng biện pháp nặng hơn.
- Việc lập hồ sơ để đưa các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc đối với trường hợp đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà đối tượng tiếp tục nghiện gặp rất nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục phức tạp
(phải lập 08 loại hồ sơ). Trong khi đó các phường, xã hiện chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp thông tin đối tượng vi phạm nên đối với trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần nhưng ở nhiều địa phương khác nhau thì địa phương nơi đối tượng cư trú không quản lý được và không có thông tin.
- Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP thì nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và kinh phí hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục
(hỗ trợ 01 tháng tối thiểu 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục). Nhưng hiện nay, các đơn vị khó khăn về kinh phí thực hiện.
Một số giải pháp và Kiến nghị đề xuất:
Trên cơ sở kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn, để khắc phục hạn chế tồn tại cần tập trung một số giải pháp:
Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trong đó tích cực tổ chức tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã đến các xóm, thôn, bản cho mọi đối tượng người dân về việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật;
Cần bố trí nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8, NĐ 111/2013/NĐ-CP và Thông tư 193/2014/TT-BTC ngày 12/12/2014 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện nhiệm vu này.
Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan như: Tổ dân phố, thôn, ấp, bản, làng… trong công tác rà soát, lập danh sách và đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với các đối tượng đủ điều kiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính;
Kiến nghị Bộ Tư pháp: Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương có liên quan phối hợp rà soát lại các văn bản QPPL liên quan đến việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn, kịp thời nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi phù hợp thực tiễn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bất cập trong công tác triển khai thi hành../
Nguyễn Quế Anh- STP Nghệ An