UBND tỉnh Nam Định: Đẩy mạnh công tác thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

23/10/2017
Đánh giá những kết quả qua điều tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, các cấp, các ngành của tỉnh đã tham mưu bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách hợp lý; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, vay vốn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh; quan tâm tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp thông qua đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính; …
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn những tồn tại như: một số thủ tục hành chính còn chậm; việc tiếp cận với các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn; thiếu thông tin về thị trường công nghệ, một số doanh nghiệp chưa được hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nhiều doanh nghiệp không thể tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao tại tỉnh; hồ sơ, thủ tục về đất đai còn phức tạp; chưa huy động được sự tham gia nhiều của các Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên pháp luật trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Để thúc đẩy việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, xúc tiến và thu hút đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, nâng cao mức độ của dịch vụ công trực tuyến qua mạng điện tử trong việc giải quyết những thủ tục cho doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch. Nâng cao hiệu quả hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh; công khai đường dây nóng hỏi đáp trực tiếp, tổ chức các cuộc đối thoại để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.
Thứ hai, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần chú trọng hơn vào các biện pháp đảm đảm vốn vay khác ngoài tài sản thế chấp theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Chú trọng khâu tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa trong công tác thu thuế. 
Thứ ba, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai; thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để kịp thời bàn giao đất cho các nhà đầu tư để triển khai dự án. Kịp thời giải quyết các kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai.
Thứ tư, nâng cao chất lượng thông tin chính sách, pháp luật tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với các thông tin pháp lý; chủ động nắm bắt, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp có nhu cầu.
Thứ năm, có chính sách ưu đãi cụ thể về hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao. Ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn ISO; kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường.
Thứ sáu, tăng cường quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.
Thứ bảy, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 30/5/2017 của UBND tỉnh về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cấp, các ngành trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, trách nhiệm, quyền hạn trong việc giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm những sai phạm, thiếu sót để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước./.
 
Tùng Mai – Sở Tư pháp Nam Định