Thực hiện Quyết định số 108/QĐ-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp về Ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, một trong các lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn để tập trung theo dõi là: Tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành với sự tham gia của các ngành liên quan do lãnh đạo Sở Tư pháp làm trưởng đoàn để tiến hành các hoạt động kiểm, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại các đơn vị như: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường..; UBND các huyện Quỳnh Lưu; Diễn Châu; Anh Sơn; Nam Đàn; thị xã Thái Hòa; thành phố Vinh. Một số UBND cấp huyện, cũng đã thành lập đoàn để thực hiện kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để đánh giá sát đúng những kết quả và kịp thời phát hiện những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực theo dõi của các đơn vị…
Nhìn chung công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện thành phố, thị xã thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo lĩnh vực ngành mình quản lý. UBND tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động như đẩy mạnh cải cách hành chính, mở hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm..; đồng thời hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiêp. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ đổi mới, công nghệ cao nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác nguồn lực về đất đai; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác nguồn lực về vốn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, khai thác nguồn nhân lực;
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng số 17.295 doanh nghiệp đăng ký. Trong đó có 10.655 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 61,6 % so với tổng số doanh nghiệp đăng ký. Trong 9 tháng đầu năm 2017 có 1.276 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, tăng 16,63% so với cùng kỳ, chiếm 1,75% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 280 doanh nghiệp chiếm 1,65% của cả nước. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 428 doanh nghiệp cao hơn cùng kỳ 77 doanh nghiệp, chiếm 1,85% của cả nước. Số doanh nghiệp đã giải thể là 226 doanh nghiệp cao hơn cùng kỳ 136 doanh nghiệp, chiếm 0,8% của cả nước.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bên cạnh những mặt đạt được còn tồn đọng một số hạn chế như: Các doanh nghiệp còn nợ đọng Bảo hiểm xã hội cho người lao động; Buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; và đặc biệt có hơn 90% doanh nghiệp được thanh tra có dấu hiệu vi phạm về thuế với các hành vi như trốn thuế, kê khai thuế không hợp pháp, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Chưa thành lập được câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và kinh phí.
Việc tiếp cận chính sách tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp ban đầu đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, bên cạnh đó bản chất các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có độ rủi ro cao nên việc huy động nguồn vốn qua hệ thống Ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn.
Một số thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, phần nào gây cản trở cho doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc xử lý các vấn đề cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong các giao dịch cấp đất, thuê đất, giải phóng mặt bằng.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật về quản lý doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước còn hạn chế; Còn sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc cung cấp các thông tin cho doanh nghiệp, công khai các văn bản, các cơ chế chính sách pháp luật chưa được quan tâm đúng mức và thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Việc bố trí nguồn cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin của địa phương chưa được đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dịch vụ phổ biến các văn bản pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả về hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật; Sửa đổi, bổ sung thống nhất các văn bản quy định về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Thường xuyên rà soát, có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo cơ chế cho địa phương huy động được các nguồn lực trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính ; quy định chặt chẽ và cụ thể cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như các bộ, ngành với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp... để xây dựng cơ chế đồng bộ cho doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp đang hoạt động tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy vai trò tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Phát huy vai trò, trách nhiệm của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các chính sách pháp luật một cách đầy đủ và chính xác.
Tổ chức các Hội nghị hội thảo trực tiếp với đại diện doanh nghiệp để tuyên truyền, quán triệt những chủ chương, chính sách mới của pháp luật cũng như nắm bắt những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ. Phát huy vai trò của Hi doanh nghiệp địa phương, xây dựng các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.
Nguyễn Quế Anh - Sở Tư pháp Nghệ An