Nghệ An: kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực Quản lý thị trường

20/10/2017
Thực hiện Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 03/03/2017 của UBND tỉnh về Quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2017 và Quyết định số 1549/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo sở Tư pháp làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Chi cục Quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường thuộc Chi cục về công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền.

  Qua kiểm tra hồ sơ thực tế và kết quả báo cáo cho thấy Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo đến các Phòng, Đội và các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính luôn được Chi cục quan tâm, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú.  Công tác kiểm tra hồ sơ xử phạt, việc ghi chép ấn chỉ tại các Đội quản lý thị thường được tiến hành định kỳ hàng tháng. Trong năm 2016 đến tháng 8/2017 các cá nhân có thẩm quyền thuộc Chi cục và các Đội Quản lý thị trường trên địa tỉnh đã tiến hành kiểm tra 12.582 vụ việc; tiến hành xử lý 10.204 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước 16.304.795.000 đồng tiền phạt. Nhìn chung các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLTT được các cá nhân có thẩm quyền phát hiện và xử lý tương đối kịp thời; việc lập biên bản và xử phạt đúng với hành vi vi phạm, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt theo quy định; Các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều được chấp hành kịp thời, không có Quyết định xử phạt nào chưa được thi hành; không có khiếu nại, khiếu kiện.
Tuy nhiên qua kiểm tra hồ sơ của Chi Cục và các Đội QLTT Đoàn liên ngành phát hiện vẫn còn những tồn tại hạn chế về trình tự thủ tục trong quá trình thực hiện  xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền cụ thể như:
 Về căn cứ ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính:Một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính viện dẫn điểm, điều, khoản áp dụng của hành vi vi phạm hành chính không chính xác;
 Việc thành lập Hội đồng định giá tài sản để làm cơ sở cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp không tuân thủ đúng quy định tạị điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Với quy định này, Chi cục Quản lý thị trường và các Đội trực thuộc Chi cục là cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, do đó thành phần Hội đồng định giá tài sản phải là đại diện Sở Tài chính, không phải đại diện Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện
Một số Hồ sơ xử phạt VPHC có dấu hiệu vi phạm hành chính nhưng việc lập biên bản VPHC chậm chưa tuân thủ chưa đảm bảo tính “kịp thời” theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 Về áp dụng các hình thức xử phạt một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính  chưa tuân thủ  Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định chuyên ngành, cụ thể như: không xác định  rõ hàng hóa vi phạm với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu để áp dụng chính xác mức tiền phạt theo quy định dẫn đến người có thẩm quyền quyết định mức tiền phạt áp dụng đối với đối tượng hàng hoá vi phạm không chính xác; hoặc hai quyết định  đều quy định cùng một hành vi vi phạm, cùng áp dụng tình tiết giảm nhẹ giống nhau nhưng lại áp dụng mức phạt tiền khác nhau là không tuân thủ nguyên tắc “đảm bảo công bằng” trong xử lý vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC.
 Một số hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng nhập khẩu có “nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt”, vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá” nhưng không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 7 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP “buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này”.
Từ những tồn tại trên đoàn liên ngành kiến nghị Chi cục Quản lý thị trường: tổ chức họp và chỉ đạo các đơn vị tiếp thu, rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng; Chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ xử lý tích cực tham mưu công tác thanh, kiểm tra tại các Đội nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả trong tham mưu xử phạt vi phạm hành chính ./
 
Nguyễn Quế Anh- Sở Tư pháp NA