Hà Tĩnh: Kết quả bước đầu mạng lưới tư vấn PL cho doanh nghiệp tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn

06/10/2017
Xác định được vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Cụ thể như: Thực hiện các hoạt động nhằm công khai và cung cấp đầy đủ các văn bản QPPL của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống pháp luật của tỉnh thống nhất, đồng bộ, khả thi; Chú trọng đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp qua đó nâng cao khả năng tiếp cận cũng như tìm hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; Thực hiện việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đảm bảo đúng yêu cầu và thời gian quy định…vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu nhận thức được vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Vì Hà Tĩnh là tỉnh có số lượng xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn tương đối lớn, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở những địa bàn này, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như: tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó ưu tiên nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành lập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như  Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê.  Đây là những huyện miền núi, có địa hình, điều kiện tự nhiên thiếu thuận lợi so với các vùng khác của tỉnh,  chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, số vốn đầu tư ít, nhân công ít, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh chưa nhiều, các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng chưa tổ chức được nhiều ở các địa phương này mà chủ yếu tổ chức theo hình thức mời đại diện các doanh nghiệp về tham dự tại thành phố, hoặc gửi các tờ gấp, tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp về một số doanh nghiệp. Do đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các vùng này còn rời rạc, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao.
Được sự hỗ trợ của Chương trình 585 –Bộ Tư pháp, năm 2016, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh” nhằm phát triển đội ngũ tư vấn pháp luật tại các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương này.
Triển khai hoạt động này, Sở Tư pháp đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cử người tham gia mạng lưới và thiết lập được mạng lưới gồm 36 thành viên gồm các luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, các cán bộ làm công tác chuyên môn tại các sở, ban, ngành sự am hiểu về pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó có một số đơn vị cử nhiều cán bộ tham gia như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (05 người), Cục Thuế (02 người). Trên cơ sở đó, đã công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ban, ngành để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn biết, liên hệ để được giải đáp các khó khăn, vướng mắc về pháp luật.
Sau hơn 01 năm tổ chức thực hiện, cơ bản các nội dung trong Đề án đã được triển khai.  Trước hết, để các cộng tác viên tư vấn pháp luật hiểu rõ hơn về nghiệp vụ tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức lớp bồi dưỡng về cách tư vấn, vai trò của tư vấn pháp luật, lồng ghép các tình huống giả định về tư vấn pháp luật cho thành viên mạng lưới nằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn pháp luật cho đội ngũ này. Vì vậy, đội ngũ mạng lưới công tác viên tư vấn pháp luật hoạt động cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đã giải đáp được kịp thời thắc mắc cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức các chương trình tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp luật kinh doanh mang tính thời sự như: Pháp luật về đất đai, lao động, thuế...nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra tại Hội nghị đã được cộng tác viên tư vấn pháp luật giải thích thỏa đáng. Vì vậy, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cũng đã có những phản hồi tích cực đến vai trò của mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật. Tính từ tháng 10/2016 đến hết tháng 12/2016, Sở Tư pháp đã nhận được hơn 100 câu hỏi do khoảng 60 doanh nghiệp gửi đến. Qua xem xét cho thấy các doanh nghiệp hỏi nhiều vấn đề trong cùng một văn bản, đa số câu hỏi liên quan đến thuế, hóa đơn, chính sách pháp luật lao động.. Trên cơ sở đó, đã chuyển đến mạng lưới công tác viên theo tư vấn theo lĩnh vực phụ trách đảm bảo những vấn đề mà doanh nghiệp vướng mắc đều được trả lời kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Mặc dù thời gian thực hiện hoạt động mạng lưới còn ngắn nhưng sau 01 năm triển khai cho thấy đây là một hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khá hiệu quả. Doanh nghiệp có thêm một kênh tư vấn pháp luật khi có vướng mắc mà không cần phải trả chi phí. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập chưa hiểu hết các vấn đề pháp lý thì việc được tư vấn miễn phí như thế này sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cho họ./.
Trần Thị Hải Giang – Sở Tư pháp Hà Tĩnh