Sáng ngày 16/8/2017, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đồng chí Trần Văn Tư - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Võ Văn Chánh - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Viên Hồng Tiến - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Trần Trung Nhân - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, đồng chí Trần Thanh Tính - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Kim - Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Triệu Thị Huỳnh Hoa - Phó Chánh án TAND tỉnh, đồng chí Trần Trung Nhân - Phó Viện trưởng Viên Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Luật sư Trần Gia Minh - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai và các đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định, đẩy mạnh cải cách tư pháp như: phát triển các tổ chức hành nghề công chứng góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; hoạt động hành nghề của luật sư ngày càng phát triển và thể hiện tính chuyên nghiệp; Tiếp tục thực hiện hiệu quả chế định Thừa phát lại; Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai; triển khai kịp thời Luật đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác bổ trợ như hoạt động công chứng cạnh tranh không lành mạnh, còn tình trạng
“tín dụng đen”; số lượng và chất lượng luật sư chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu của Đề án phát triển; hoạt động của thừa phát lại còn chưa đầy đủ khung pháp lý, chưa có chế tài phù hợp điều chỉnh; công tác giám định tư pháp còn vướng mắc phát sinh trong quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giám đinh viên…
Bổ sung thực tiễn về công tác bổ trợ tư pháp, đại diện các ngành cũng nêu rõ: hoạt động công chứng vẫn còn trường hợp chưa đảm bảo yêu cầu, chưa thể hiện rõ trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, còn tình trạng thông qua công chứng hợp đồng vay để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thái độ tiếp và làm việc với người dân chưa chuyên nghiệp… đội ngũ luật sư chưa đạt mục tiêu 500, chưa đảm bảo chất lượng, nhất là trong các lĩnh vực chuyên sâu hoặc đủ trình độ đáp ứng yêu cầu sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng tham gia các vụ kiện có tính chất quốc tế; tình trạng giám định viên
“vừa thừa, vừa thiếu”, hoạt động thừa phát lại còn khó khăn trong công tác phối hợp với các ngành, chưa hiệu quả trong giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, luật sư, Thừa phát lại, giám định viên, đấu giá viên,... chưa được thực hiện thường xuyên, chưa chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu, kỹ năng nghiệp vụ; Thiếu văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn trong một số lĩnh vực như giám định, Thừa phát lại; Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách trợ giúp pháp lý chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả do đó nhiều đối tượng được trợ pháp lý vẫn chưa biết được những chính sách về trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước để liên hệ và được trợ giúp.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tư – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất với đánh giá chung về công tác bổ trợ tư pháp trong thời gian qua, tuy nhiên những vấn đề còn hạn chế trong quản lý nhà nước cần làm rõ nguyên nhân vì sao chưa thực thi được các mục tiêu như nghị quyết Tỉnh uỷ đã kỳ vọng, vai trò của các cơ quan, đơn vị trong phối hợp, hỗ trợ thực hiện công tác bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh xã hội hoá để phục vụ nhân dân, cải cách tư pháp… Từ đó, đồng chí yêu cầu phải sớm có giải pháp khắc phục, trong đó, cần tập trung chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử và nêu cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, những người làm việc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là các tổ chức được nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ công như công chứng, thừa phát lại… Đối với Sở Tư pháp, cần phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan tham mưu trong quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, đề xuất kịp thời các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hạn chế còn tồn tại trong công tác bổ trợ tư pháp; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng tại cơ sở; rà soát trang thiết bị để hỗ trợ công tác bổ trợ tư pháp của tỉnh tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Về định hướng cụ thể nhiệm vụ trong thời gian tới là (1) tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng để tránh lợi dụng quyền được thực hiện dịch vụ công để “làm khó” dân, tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và thái độ phục vụ người dân đội ngũ công chứng viên; (2) nâng cao hơn nữa sự phối hợp trong quản lý luật sư trên địa bàn tỉnh giữa UBND tỉnh với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, giữa Sở Tư pháp với Đoàn Luật sư tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động luật sư, trọng tâm là phát huy vai trò nòng cốt, sức mạnh đoàn kết của tổ chức Đảng trong đội ngũ luật sư, đặc biệt là giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, xây dựng đội ngũ luật sư tinh thông về lĩnh vực chuyên môn cụ thể, tăng cường đào tạo luật sư đủ trình độ phục vụ hội nhập quốc tế; (3) Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giám định viên trong các lĩnh vực nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động tư pháp của địa phương; (4) Sở Tư pháp chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc, quy định trong Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật hiện hành./.
Lê Xuân Quý