Sở Tư pháp Bình Định: Tổng kết thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BNV-BTP

15/08/2017
 
Ngày 22/12/2014, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Nội vụ ban hành Thông tư Liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Qua gần 3 năm thực hiện, các quy định của Thông tư đã góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan tư pháp tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ mới và có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Thông tư để đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại địa phương.
Thực hiện công văn số 2563/BTP-TCCB ngày 21/7/2017 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện tổng kết Thông tư Liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, Sở Tư pháp Bình Định tiến hành tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Thông tư Liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV. Theo đó, qua gần 03 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, nhìn chung ngành Tư pháp Bình Định đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo chất lượng, đảm bảo bước chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ. Đến nay, bộ máy tổ chức ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở hoạt động ổn định. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Biên chế được giao cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố hiện tại không đảm bảo theo vị trí việc làm so với nhiệm vụ được giao; Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV quy định Sở Tư pháp có quá nhiều phòng chuyên môn trong khi biên chế được giao ít nên việc bố trí nhân sự khó khăn; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã trong thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhưng kể từ ngày 01/01/2016 nhiệm vụ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ Sở Tư pháp chuyển cho UBND cấp huyện; Tư pháp – hộ tịch cấp xã vừa đăng ký hộ tịch, vừa xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch đã mang lại nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; một số cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức tư pháp còn chưa hợp lý, chưa thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tư pháp; tuy cán bộ phụ trách công tác tư pháp huyện, xã đều đã được bố trí nhưng đến nay mỗi cán bộ đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau dẫn đến chất lượng công tác tư pháp không cao, khối lượng công việc có liên quan đến công tác tư pháp hiện nay ngày càng tăng nhưng không đủ biên chế nên hầu hết tại các xã chỉ bố trí 01 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch và 01 hợp đồng dẫn đến trách nhiệm không cao.
Thông qua việc đánh giá tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, Sở Tư pháp Bình Định đề xuất sửa đổi một số nội dung sau: Ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV theo hướng quy định chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan tư pháp phải tương xứng, phù hợp với biên chế thực tế; Bộ Tư pháp thống nhất với Bộ Nội vụ trên cơ sở vị trí việc làm quy định biên chế cụ thể cho lĩnh vực Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV theo hướng quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp cấp huyện, Trưởng Phòng Tư pháp, Phó Trưởng Phòng Tư pháp, và công chức Phòng Tư pháp theo từng nhóm lĩnh vực cụ thể, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao trong công việc, quy định rõ hơn trách nhiệm của Công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã; ngày 11/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng chính phủ. Theo đó, công tác kiểm soát thủ tục hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ. Do đó, Thông tư mới thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV đề nghị bỏ chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV theo hướng nhập Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp./.
 Bùi Hạnh