Đây là chỉ đạo của Đoàn kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng của tỉnh Khánh Hòa gồm đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài chính, TAND tỉnh, Công an tỉnh, VKSND tỉnh và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn tại buổi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện Khánh Sơn và thành phố Cam Ranh trong 02 ngày 15 và 16/9/2016.
Tại huyện Khánh Sơn, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo: thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn huyện thực hiện theo đúng các quy định của Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 11) và Kế hoạch hoạt động liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2016 của tỉnh. Việc niêm yết Bảng thông tin về TGPL, phân công cán bộ tiếp công dân hướng dẫn, giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được TGPL và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về TGPL, việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư …được thực hiện đúng pháp luật. “Khánh Sơn là huyện miền núi xa nhất tỉnh, người dân tộc thiểu số chiếm đa số nên lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật. Hầu hết các vụ án hình sự chúng tôi đều tiến hành xét xử lưu động tại cơ sở, qua đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm phòng ngừa tội phạm.” ông Phạm Ngọc Danh – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện báo cáo. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phương – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện thông tin thêm: người dân tộc thiểu số có tâm lý e ngại, khi đến cơ quan nhà nước họ ít khi để ý đến bảng thông báo nên cán bộ tiếp dân làm việc vất vả hơn để giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định. Công tác tuyên truyền pháp luật luôn được quan tâm nhằm giúp cho người dân có thêm hiểu biết về pháp luật. Đề nghị cấp trên nghiên cứu chọn thêm vị trí lắp đặt bảng ngoài trụ sở cơ quan để nâng cao hiệu quả tuyên truyền các quy định của Thông tư liên tịch số 11 và pháp luật về TGPL.
Tại thành phố Cam Ranh, làm việc với Đoàn kiểm tra, báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố đều có chung đánh giá: thời gian qua, Thông tư liên tịch số 11 được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và không gặp bất kỳ khó khăn vướng mắc gì. “Tuy nhiên, do quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành về đối tượng của Trung tâm TGPL khá chặt chẽ và tương đối hẹp, có đối tượng phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình khi được giới thiệu đến Trung tâm để được giúp đỡ nhưng họ không đến vì lý do cá nhân, có trường hợp đã được giải thích nhưng họ không sử dụng quyền của mình nên số lượng án thuộc đối tượng của Trung tâm rất ít, chủ yếu là án hình sự mà bị cáo là người theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự phải cử Luật sư tham gia tố tụng. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền kết hợp với đổi mới hình thức để người dân hiểu được quyền mà pháp luật dành cho mình.” Bà Bùi Thị Luẩn – Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố đề nghị.
Ghi nhận kết quả và kiến nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện Khánh Sơn và thành phố Cam Ranh, Đoàn kiểm tra đề nghị: thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng được kiểm tra cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thường xuyên tổ chức quán triệt các quy định của Thông tư liên tịch số 11 và các văn bản pháp luật về TGPL đến cán bộ, công chức trong đơn vị để giúp họ nắm vững các quy định của pháp luật về TGPL. Khi phát hiện người dân thuộc đối tượng của Trung tâm TGPL thì giới thiệu ngay họ đến Chi nhánh hoặc Trung tâm để được giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là không bỏ sót đối tượng.
Hải Dương