Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là sự kiện chính trị to lớn, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong năm 2007. Để thông tin đến bạn đọc tình hình công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại tỉnh Ninh Nình, ngày 02/4/2007, Ban Biên tập Bản tin Tư pháp Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn nhanh với đồng chí Đinh Chung Phụng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng tiểu Ban thông tin tuyên truyền công tác bầu cử Quốc hội khóa XII tỉnh Ninh Bình về tình hình chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII trên địa bàn tỉnh và những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian sắp tới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa đồng chí! Với cương vị là Trưởng Tiểu ban thông tin, tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh, xin đồng chí cho biết tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đ/C Đinh Chung Phụng: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban bầu cử tỉnh, sự nỗ lực cố gắng các cấp, các ngành, khẳng định rằng cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai một cách tích cực, đảm bảo đúng quy trình và đúng luật. Được thể hiện trên một số mặt cụ thể sau:
*Thứ nhất về công tác thông tin tuyên truyền: Các cơ quan báo chí của tỉnh và của Trung ương thường trú tại Ninh Bình đã tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền tới nhân dân, cử tri về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, nội dung và kết quả các bước trong quy trình hiệp thương… đảm bảo thông tin nhanh, nhạy, kịp thời; phản ánh khách quan, công bằng, chính xác đúng pháp luật với các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực… đã tạo được không khí phấn khởi, nâng cao một bước nhận thức và hiểu biết của nhân dân, của cử tri, của các cấp các ngành về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
*Thứ hai về việc ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức các hội nghị triển khai công tác bầu cử: Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử của toàn quốc, ngày 11/02/2007, Thường trực Tỉnh ủy đã họp để thống nhất kế hoạch lãnh đạo công tác bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 12/02/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08 - CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ngày 14/02/2007, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của các cơ quan đơn vị trực thuộc tỉnh; HĐND, UBND, UBTTQVN tỉnh và HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố, thị xã, để quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trug ương và thống nhất kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 26/02/2007, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức xong Hội nghị cán bộ chủ chốt để triển khai công tác bầu cử. Đến ngày 7/3/2007, đã có 145/145 xã phường, trấn tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội theo đúng tiến độ lịch trình theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Trung ương, của Ủy ban bầu cử tỉnh.
*Thứ ba về việc thành lập các tổ chức bầu cử:
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sau khi thống nhất với UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã ra Quyết định số 01/QĐ-HĐ ngày 11/02/2007 về việc thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh; Quyết định số 03 và 04/QĐ-HĐ ngày 14/3/2007 về việc thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII ở đơn vị bầu cử số 1 và số 2 của tỉnh, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đúng thành phần để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII trên địa bàn.
* Thứ tư là về công tác hiệp thương lựa chọn người ra ứng cử:
Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN ) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan đã tiến hành xong 4/5 bước của quy trình hiệp thương đảm bảo đúng tiến độ thời gian theo luật định. Ngày 20/3/2007, đã thỏa thuận và lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII trên địa bàn tỉnh, danh sách gồm 13 người: 2 người do Trung ương giới thiệu, 10 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương giới thiệu, 01 người tự ứng cử. Trong các ngày 25,26,27/3/2007, Thường trực MTTQVN các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh Ninh Bình.
* Thứ năm là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là các khiếu nại tố, cáo liên quan đến công tác bầu cử. Tỉnh ủy đã thành lập Tổ giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh, đồng thời ban hành Hướng dẫn số 01- HD/TU ngày 06/3/2007 hướng dẫn giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ngày 07/3/2007, UBND tỉnh có Công văn số 46/UBND-VP7, giao cho Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phục vụ công tác bầu cử; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 13/3/2007 về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII
* Thứ sáu việc triển khai công tác bảo vệ cho cuộc bầu cử: Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trước, trong và sau ngày bầu cử; xây dựng và triển khai các phương án để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử.
* Thứ bẩy là việc chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, vật chất cho cuộc bầu cử:
Ngày 15/3/2007, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/QĐ- UBBC về việc phân bổ kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ in 9 loại tài liệu phục vụ cuộc bầu cử, đồng thời hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát và có kế hoạch bổ sung lượng hòm phiếu, con dấu còn thiếu so với quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội Quốc hội.
* Thứ tám là việc lập danh sách cử tri và phân chia khu vực bỏ phiếu:
Cho đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổng hợp, thống kê xong số lượng dân số, cử tri (tính đến thời điểm ngày 30/3/2007), số người không được ghi tên vào danh sách cử tri để chủ động lập danh sách cử tri đảm bảo chính xác, chặt chẽ đúng quy định của pháp luật. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã dự kiến việc phân chia khu vục bỏ phiếu và tổng hợp báo cáo Ủy ban bầu cử tỉnh xem xét.
PV: Theo đồng chí từ nay cho đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII ( 20/5/2007): Công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh ta cần tập trung vào những nội dung gì?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Để cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII diễn ra vào ngày 20/5/2007 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyên chủ yếu sau:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, tuyên truyền về Hiến pháp, Chỉ thị của Đảng, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Trung ương, Ủy ban bầu cử tỉnh, đặc biệt là về tiêu chuẩn số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XII; về quyền, trách nhiệm của công dân; về chức năng nhiệm vụ của Ban bầu cử, Tổ bầu cử; trách nhiệm của UBND, UBMTTQ các cấp, tuyên truyền về việc lập danh sách cử tri và niêm yết danh sách ứng cử theo quy trình đúng pháp luật. Sau khi có Quyết định của Hội đồng bầu cử công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII theo đơn vị bầu cử thì tập trung tuyên truyền về tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, …
Các cơ quan: Báo Ninh Bình, Đài PTTH Ninh Bình tăng thời lượng thông tin tập trung tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Tăng cường các hình thức thông tin tuyên truyền như: phỏng vấn, hỏi đáp, mạn đàm, trao đổi, khách mời phòng thu…Ngành Văn hóa - Thông tin triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng ở khu dân cư, nơi công cộng và các khu vực bỏ phiếu thông qua các hình thức cổ động trực quan: pa nô, áp phích, cờ, băng, khẩu hiệu…. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
Phản ánh, biểu dương những nơi triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, nhắc nhở, phê phán những nơi, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt hoặc không tốt về công tác bầu cử; kịp thời phát hiện và đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu và hành động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch; ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ để làm việc sai trái.
Hai là: Tập trung phản ánh những hoạt động thực tiễn ở cơ sở về công tác bầu cử ( việc học tập, mạn đàm, trao đổi của các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, của công nhân nông dân, học sinh, đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh,…cơ quan hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang). Đặc biệt tuyên truyền kịp thời đậm nét về không khí, kết quả cử tri đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
Ba là: Tuyên truyền các công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.
Bốn là: Tuyên truyền Kết quả của phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác của các cấp, các ngành, của các tầng lớp nhân dân chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.
Năm là: Sau ngày bầu cử tập trung tuyên truyền về kết quả bầu cử.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
( Thực hiện: Quý Dương - Sở Tư pháp Ninh Bình)