Một số kết quả của công tác rà soát văn bản pháp luật của Lai Châu về thực hiện cam kết WTO

18/05/2007
Thực hiện nội dung Công văn số 1593/BTP-PLQT ngày 10/04/2007 của Bộ Tư pháp về rà soát văn bản pháp luật thực hiện Nghị quyết số 71/2006/QH11 và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ và sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã tiến hành soát những văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và có báo cáo gửi UBND tỉnh.

Theo nội dung báo cáo kết quả rà soát văn bản Sở Tư pháp gửi UBND tỉnh thì có 6.497 văn bản do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ  01/01/2004 đến 30/4/2007 được tập hợp để tiến hành rà soát, trong đó có 311 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ 01/01/2004 đến 30/4/2007. Qua  rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và những cam kết của Việt Nam với WTO, có 22 văn bản có dấu hiệu vi phạm, theo đó cần ban hành 01 văn bản mới và cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để ban hành văn bản khác thay thế 18 văn bản. Nội dung báo cáo cũng đưa ra nhận xét và đánh giá chung về tình hình soạn thảo và ban hành văn bản của tỉnh Lai Châu trên cơ sở đó chỉ ra một số mặt hạn chế của văn bản liên quan đến các nội dung về việc tuân thủ quy trình, thủ tục xây dựng văn bản; số và ký hiệu văn bản; căn cứ ban hành văn bản; thời điểm có hiệu lực của văn bản; công bố, đưa tin, niêm yết văn bản...

Về văn bản có liên quan đến thực hiện cam kết WTO của Việt Nam

Do Lai châu là một tỉnh mới được chia tách, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chậm, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành không nhiều, các văn bản có nội dung liên quan đến áp dụng trực tiếp cam kết của Việt Nam với WTO về đầu tư, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ… chiếm tỷ lệ không lớn, việc ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong các lĩnh vực này chủ yếu được dựa trên các quy định của các cơ quan nhà nước cấp trên, do đó về cơ bản đều phù hợp với các cam kết của Việt Nam với WTO.

Tuy nhiên, liên quan đến cam kết về minh bạch hoá, công khai hoá của Việt Nam với WTO như: “trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản..”; “...Việc quy định thời điểm có hiệu lực của của văn bản pháp luật phải đảm bảo tính hợp lý tạo điều kiện cho việc chuẩn bị ban hành văn bản của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản...” thì quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh còn có những hạn chế, sai sót nhất định, những vấn đề này đối với văn bản của HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã được Sở Tư pháp nêu chi tiết trong nội dung của báo cáo.

Sở Tư pháp đã kiến nghị với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức rút kinh nghiệm chung và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trình tự soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO về công khai hoá, minh bạch hoá các chế độ, chính sách.

Nguyễn Minh Hiệp