Vũ Thư là huyện cửa ngõ phía tây của tỉnh Thái Bình, có 30 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 195km2, dân số trên 223.000 người. Nằm giữa 2 trung tâm chính trị, văn hoá Thành phố Thái Bình và Thành phố Nam Định, là điều kiện thuận lợi để tiếp xúc, giao lưu với nhiều địa phương khác
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế thì các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện cũng không ngừng gia tăng và diễn biến phức tạp, hơn nữa là huyện thuần nông nên nhìn chung ý thức chấp hành pháp luật, dân trí về pháp luật của một bộ phận nhân dân chưa cao. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn trong huyện đặc biệt quan tâm, coi trọng và luôn xác định PBGDPL là một bộ phận của công tác phổ biến chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp và phải tạo ra bước đột phá trong công tác PBGDPL làm tiền đề cho các năm tiếp theo.
Ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp- Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, dự trù kinh phí và trình HĐND huyện phê duyệt kinh phí PBGDPL của huyện năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước(riêng năm 2007 là 30 triệu đồng). Trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, Phòng Tư pháp lựa chọn nội dung và hình thức PBGDPL, thường thì nội dung phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của huyện nhà và phục vụ người dân, hình thức thì phải mới mẻ, sáng tạo.Trong 6 tháng đầu năm 2007 huyện đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản như: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật môi trường, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật bình đẳng giới, Luật công chứng… cho 950 người và phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Bình, Hội LHPNVN tỉnh trợ giúp lưu động, tuyên truyền miệng ở 7 xã trong huyện cho 900 đối tượng. Đến nay hệ thống tủ sách pháp luật đã được trang bị tới tất cả 31 xã, thị trấn, một tủ sách của huyện trung bình mỗi tháng phục vụ hàng chục lượt bạn đọc, qua đó đã góp phần tích cực vào việc PBGDPL thông qua sách báo, tài liệu giúp cho cán bộ và nhân dân trong huyện chủ động trong việc tìm hiểu nghiên cứu và vận dụng, thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, một “kênh” PBGDPL thiết thực và hiệu quả mà huyện đã và đang thực hiện là thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở và một chuyên mục tuyên truyền pháp luật của đài huyện phát định kỳ vào thứ 6 hàng tuần đã góp phần chuyển tải nhanh chóng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân trong huyện.
Cùng với những cách thức tuyên truyền truyền thống như trên thì công tác PBGDPL thời gian qua của huyện Vũ Thư đã được triển khai dưới một số hình thức mang tính sáng tạo như: Phân công cán bộ thường trực tại bộ phận thực hiện cơ chế “Một cửa” và trụ sở tiếp dân của UBND huyện để phối hợp với cán bộ tiếp dân của UBND huyện để phối hợp với cán bộ tiếp dân lồng ghép giải thích, tuyên truyền, các quy định pháp luật liên quan đến nội dung công việc, đơn thư của công dân. Các điều luật được phổ biến trực tiếp, có dẫn chứng từ văn bản pháp luật đã giúp cho hàng trăm người dân hiểu biết sâu hơn về các văn bản pháp luật đặc biệt là về khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật của huyện hoạt động rất hiệu quả như câu lạc bộ của xã Vũ Hội, xã Vũ Đoài, xã Minh Quang…Do vậy, cứ định kỳ 3 tháng một lần hoặc vào những ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, Phòng Tư pháp đều chỉ đạo các CLB trên xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật sau đó tổ chức giao lưu giữa các CLB với nhau và đi biểu diễn, tuyên truyền luân phiên ở các trong cụm. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật rất dễ nhớ, dễ hiểu, mang lại hiệu quả rất lớn, thu hút hàng trăm người đủ các thành phần tham gia.
Một trong những nét nổi bật trong công tác PBGDPL của huyện Vũ Thư thời gian qua phải kể đến là việc lồng ghép có hiệu quả PBGDPL trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, các phong trào thi đua, các cuộc tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật theo từng chủ đề với việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở cụm dân cư, thực hiện hương ước, quy ước, khôi phục và phát triển văn hoá truyền thống, phông tục tập quán tốt đẹp của từng thôn làng, tổ dân phố. Kinh nghiệm cho thấy việc tuyên truyền pháp luật theo kiểu đơn điệu theo kiểu thuyết giáo đối với người dân là không mấy hiệu quả mà phải làm cho người dân thấy được sự thiết thực của pháp luật thông qua lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, các cuộc vận động và đồng thời gắn tuyên truyền với việc xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thi hành pháp luật. Cách làm này có tác động rất tích cực đến ý thức, tình cảm, hành vi pháp luật của đối tượng được tuyên truyền.
Thực tế cho thấy công tác PBGDPL ở huyện Vũ Thư thời gian qua không ngừng được củng cố, tăng cường cả về hình thức lẫn chất lượng, hoạt động PBGDPL đã từng bước đi vào cuộc sống người dân, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật đã dần từng bước đi vào cuộc sống của người dân, từng bước được nâng cao. Đặc biệt cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có sự chuyển biến về nhận thức mang tính đột phá đối với công tác PBGDPL. Đạt được kết quả trên là do đã tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Sở Tư pháp, huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, đồng thời Phòng Tư pháp đã không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của mình bằng sự chủ động, năng động, sáng tạo của lãnh đạo Phòng và bằng các hoạt động cụ thể, đội ngũ cán bộ Tư pháp từ huyện đến cơ sở có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc …Tuy nhiên công tác PBGDPl của huyện vẫn còn những tồn tại, khó nhăn là: Hoạt động của HĐPHCTPL chưa theo sát được yêu cầu, đòi hỏi của công tác PBGDPL còn ít và thường xuyên kiêm nhiệm lại bị cuốn hút vào các công việc khác; trình độ năng lực chuyên môn còn hạn chế, chưa đồng đều, đầu tư kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng từ đó tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian qua.
Thiết nghĩ, để đưa công tác PBGDPl của tỉnh nhà nói chung và của huyện Vũ Thư nói riêng đi vào nền nếp và đạt kết quả cao trong thời gian tới rất cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp như: đầu tư phương tiện, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Hưỡng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm đảm bảo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, định kỳ tổng kết chuyên sâu để từ đó đúc rút, phổ biến, phổ biến kinh nghiệm, giúp cho địa phương triển khai công tác PBGDPL nhằm từng bước đưa hoạt động này đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng yêu cầu trong công cuộc cải cách Tư pháp như hiện nay.
Nguyễn Ngọc Hiển