1. Công tác Xây dựng và Kiểm tra văn bản:
- Hoàn thành đúng thời hạn và có chất lượng các văn bản được giao soạn thảo, thẩm định theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế về thẩm định dự thảo văn bản Quy phạm pháp luật của địa phương.
- Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) theo yêu cầu của Ngành và địa phương.
- Thực hiện tốt Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đưa công tác này hoạt động có chất lượng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
- Giúp UBND tỉnh tự kiểm tra và chú trọng kiểm tra các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành xây dựng kế hoạch rà sóat, tự kiểm tra các văn bản Quy phạm pháp luật của đơn vị, trình UBND tỉnh quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu UBND tỉnh triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành trong phạm vi trách nhiệm của Ngành Tư pháp.
- Tổ chức cuộc thi về công tác văn bản quy phạm pháp luật.
2. Công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL):
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
- Tăng cường PBGDPL về hội nhập kinh tế quốc tế, cho các đối tượng liên quan trực tiếp đến quá trình hội nhập từ cán bộ, công chức, các doanh nhân.
- Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở. Tổng kết hoạt động hòa giải ở cơ sở, từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tiễn về chỉ đạo xây dựng tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
- Triển khai mạnh mẽ, có kế hoạch tổng kết chương trình PBGDPL từ năm 2003 – 2007 với phương châm: “Công tác Tư pháp hướng về cơ sở”, trong đó trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, vùng biển, vùng đồng bào dân tộc.
- Phối hợp với: các cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 và Chương trình phối hợp về PBGDPL và TGPL cho nông dân.
- Kiện toàn tổ chức Hội đồng PBGDPL, cấp huyện và cấp xã. Phát huy vai trò tham mưu của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sơ.
- Phối hợp các cơ quan thông tin như Báo Ninh Thuận, Đài PT-TH tỉnh trong việc phổ biến giáo dục pháp luật trên các chuyên trang, chuyên mục.
- Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các Hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Hội đồng PBGDPL tỉnh.
- Duy trì Bản tin Tư pháp, tờ gấp pháp luật, tài liệu PBGDPL, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của Ngành.
- Tổ chức sơ kết các mô hình: Câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật … để đánh giá đúng thực trạng, đề ra định hướng chỉ đạo tiếp theo.
3. Công tác Hành chính Tư pháp:
a) Về Công tác Hộ tịch và quản lý Hộ tịch:
- Thực hiện tốt đề án Cải cách hành chính trên hai lĩnh vực là: công tác Hộ tịch và công tác Công chứng; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Luật Công chứng và Nghị định về chứng thực khi Chính phủ ban hành.
- Mở Hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, qua đó tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định 158 trong nhân dân, đặt biệt vùng đồng bào dân tộc.
- Thực hiện Nghị định 69/2006/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68/2002 về công tác Hộ tịch có yếu tố nước ngoài.
- Lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, lọai trừ các hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp.
b) Về quản lý hoạt động Công chứng và Chứng thực:
- Thực hiện tốt công tác Công chứng theo Luật Công chứng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 và công tác Chứng thực, phục vụ yêu cầu công chứng, chứng thực của tổ chức và công dân.
- Tổ chức kiểm tra công tác chứng thực ở cấp huyện và cơ sở theo định kỳ và đột xuất; mở lớp tập huấn nghiệp vụ chứng thực cho cán bộ cơ sở, đưa hoạt động này đi vào nề nếp và chất lượng hơn.
- Tham mưu UBND tỉnh ra chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động Công chứng, chứng thực.
4. Công tác Bổ trợ Tư pháp:
- Kết hợp với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ổn định tổ chức, quản lý các Văn phòng luật sư, luật sư; nâng cao trình độ, đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp của luật sư theo quy định của Luật luật sư.
- Phối hợp các cơ quan liên quan, củng cố lực lượng Giám định viên Tư pháp và người Giám định Tư pháp theo vụ việc.
- Giúp UBND tỉnh triển khai quản lý các đối tượng thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ ( Nghị định 60) và thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (Nghị định 61) trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai Luật Luật sư, qua đó thực hiện tốt kế hoạch chuyển tiếp hoạt động của các Văn phòng Luật sư trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên và người giám định vụ việc.
- Kết hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động Giám định Tư pháp trên địa bàn tỉnh.
- Quản lý hoạt động Bán đấu giá tài sản:
+ Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hoạt động của Trung tâm theo Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 04/8/2006 của UBND tỉnh về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Ninh Thuận.
+ Thực hiện các vụ việc về bán đấu giá theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ chặt chẽ và đúng pháp luật.
5. Công tác THA dân sự:
- Tham mưu Ban chỉ đạo THA các cấp kịp thời chỉ đạo thi hành những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong thời gian qua tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 39/2006/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường THA.
- Giải quyết những vụ việc thi hành án thuộc diện được miễn, giảm khỏan án phí, tiền phạt … nhằm giảm số lượng án tồn đọng kéo dài.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết những vụ việc thi hành án còn tồn đọng kéo dài, tăng tỷ lệ Thi hành án xong đạt 75% về việc và số tiền thu là 55% trong số việc có điều kiện thi hành.
- Tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thi hành án.Tuyển dụng đủ biên chế, bổ nhiệm chấp hành viên, không để việc thiếu thủ trưởng cơ quan THA và chấp hành viên.
- Chỉ đạo cơ quan THA cấp tỉnh duy trì tốt việc giao ban định kỳ, tổ chức kiểm tra chéo giữa các cơ quan THA cấp huyện, nhằm phát huy tốt các mặt tích cực để học hỏi lẫn nhau; phát hiện những sai phạm kịp thời rút kinh nghiệm.
- Có kế hoạch sơ kết đánh giá việc chuyển giao các vụ việc Thi hành án có giá trị dưới 500.000đ chuyển cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành.
6. Công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL):
- Xây dựng đề án tổ chức lại Trung tâm và các chi nhánh Trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.
- Phối hợp với Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép việc trợ giúp pháp lý với việc tuyên truyền phổ biến Chỉ thị 32/CT-TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
- Tiến hành sơ kết hoạt động của các tổ, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để rút kinh nghiệm về công tác chuyên môn; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn cho đội ngũ cộng tác viên cấp huyện và cấp xã.
- Tăng cường và TGPL lưu động tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặt biệt khó khăn bằng nhiều hình thức và phương pháp lưu động. Đồng thời hợp đồng với luật sư bảo vệ cho đối tượng được TGPL trước Tòa án.
- Triển khai thực hiện quy tắc nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý; quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL theo quy định của Bộ Tư pháp.
7. Công tác Thanh tra:
- Có kế hoạch thanh tra hành chính việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao của các phòng, đơn vị trong Ngành, kết hợp với thanh tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại các phòng, các đơn vị.
- Xây dựng kế hoạch triển khai công tác thanh tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực trọng tâm của Ngành.
- Về công tác tổ chức bộ máy: thực hiện đề án thành lập thanh tra ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Có kế hoạch gởi đi bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực như: xây dựng cơ bản, tài chính kế toán.
- Thực hiện tốt chế độ báo cáo về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đối với Bộ Tư pháp và địa phương.
- Thanh tra việc thực hiện chương trình hành động chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, triển khai quy chế đường dây nóng,
- Triển khai Nghị định 74 và 76 của Chính phủ về thành lập Thanh tra chuyên ngành và sử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực Tư pháp.
8. Công tác Văn phòng:
a) Công Tác Văn phòng:
- Sắp xếp bố trí công việc của Văn phòng cho phù hợp với công việc được giao, nhằm đưa công tác này đi vào nề nếp.
- Hàng tháng, quý, năm đôn đốc các đơn vị gởi báo cáo về bộ phận Tổng hợp, để báo cáo kịp thời; Nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo, nhất là báo cáo 6 tháng, báo cáo tổng kết năm và báo cáo đột xuất.
- Tham mưu lãnh đạo Sở điều hành các quy chế hoạt động của cơ quan đi vào nề nếp; nhất là việc sinh hoạt hội họp, công tác văn thư lưu trữ, quản lý tài sản cơ quan, bảo vệ và xây dựng cơ quan an toàn.
b) Công tác Thi đua khen thưởng:
- Tổng kết phong trào thi đua năm 2006, và tổ chức phát động phong trào thi đua năm 2007, kịp thời động viên cán bộ công chức trong toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Hội nghị phát động, các đơn vị căn cứ vào chương trình công tác đầu năm, tổ chức đăng ký thi đua cho tập thể và cá nhân đơn vị mình.
- Tổ chức các đợt thi đua chào mừng những ngày lễ lớn trong năm, sơ kết biểu dương khen thưởng, để nhân rộng các đơn vị điển hình tiên tiến.
c) Công tác Tổ chức cán bộ và đào tạo:
- Củng cố sắp xếp lại nhân sự ở các phòng, các đơn vị trực thuộc về số lượng với cơ cấu hợp lý, theo Quyết định số 457/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND tỉnh Ninh Thuận.
- Kiểm tra các đơn vị việc thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của Sở Tư pháp; Duy trì tốt việc đánh giá phân loại cán bộ hàng năm.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Cấp uỷ và Chính quyền địa phương, củng cố về tổ chức bộ máy và bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Tư pháp cho các phòng Tư pháp, Ban Tư pháp để phục vụ tốt nhiệm vụ ngày càng tăng hiện nay.
- Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức cơ quan.
9. Công tác chỉ đạo, điều hành:
- Sơ kết mô hình Cải cách hành chính trong lĩnh vực Hộ tịch và Công chứng, lọai bỏ những thủ tục rườm rà, không thuận tiện cho công dân. Thực hiện tốt kế hoạch Cải cách hành chính, với việc triển khai thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại Sở Tư pháp.
- Giảm các cuộc họp không cần thiết, tăng cường công tác kiểm tra ở cơ sở, để giúp cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Giải quyết đúng chức trách, thẩm quyền của từng cấp lãnh đạo, chấm dứt tình trạng cấp dưới đẩy trách nhiệm lên trên, cấp trên bao biện làm thay.
- Phối hợp với các đoàn thể kiểm tra việc phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực trong cơ quan.
- Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, theo hướng đổi mới, thực chất khen đúng người, đúng việc, chống bệnh thành tích. ….