9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp Cà Mau năm 2007

08/02/2007
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được năm 2006, căn cứ Chỉ thị số 01 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong Chương trình công tác năm 2007 của mình, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 1.Công tác xây dựng ngành:

 Tiếp tục củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của ngành từ tỉnh đến cấp huyện và cấp cơ sở, nhất là vai trò của Sở Tư pháp đối với công tác tư pháp cấp huyện, cấp xã. Bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của ngành phù hợp với những định hướng và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh; thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp vững mạnh và trong sạch có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức ngang tầm nhiệm vụ được giao. Kiện toàn Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn theo quy định. Xây dựng đề án thu hút, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng công chức, viên chức có chức danh tư pháp (giai đoạn 2006 – 2010),  nhất là cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của pháp chế sở, ngành và doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 122/2004/NĐ-CP. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế.

 2.Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, góp ý,  kiểm tra và rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:

Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004; chương trình lập quy năm 2007 của HĐND và UBND tỉnh; nâng cao chất lượng soạn thảo, góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình HĐND, UBND ký ban hành.

Tập trung xây dựng và hoàn thành kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; chú trọng rà soát, đối chiếu với các quy định của WTO. Tăng cường công tác tự kiểm tra văn bản QPPL; thực hiện kiểm tra 100% văn bản của HĐND và UBND huyện, thành phố. Kiện toàn đội ngũ cán bộ nghiệp vụ và cộng tác viên kiểm tra kiểm tra văn bản của cấp huyện, cấp xã, giúp UBND cùng cấp tự kiểm tra, kịp thời phát hiện văn bản sai trái, kiến nghị biện pháp khắc phục theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

3.Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế:

Tham mưu cho Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư. Tổng kết công tác PBGDPL năm 2006 và đề ra Chương trình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007. Chuẩn bị tổng kết Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 – 2007 theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Phối hợp chủ trì thực hiện các đề án thuộc Chương trình 212.

Phát huy vai trò của HĐPH-PBGDPL các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Nghiên cứu, thử nghiệm thực hiện mới, kết hợp các hình thức, biện pháp đã qua có hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật một mặt phải bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Tăng cường công tác phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các địa phương để tổ chức PB,GDPL bằng nhiều hình thức, giúp cho nhân dân hiểu biết pháp luật. Tổ chức từ 2 đến 3 cuộc tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật.

Nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; củng cố tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. nâng chất Bản tin Tư pháp Cà Mau và Chuyên mục pháp luật và đời sống trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Khuyến khích các Phòng Tư pháp cấp huyện biên soạn, cung cấp các tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp khả năng của địa phương. Triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng công nghệ thông tin, nhất là trang Sở Tư pháp trên website của tỉnh Cà Mau.

Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ hòa giải cơ sở. Phấn đấu đưa ra hoà giải đạt từ 95% trở lên (so với số đơn nhận); hòa giải thành đạt từ 65- 75% trở lên (so số đưa ra hoà giải). Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục triển khai thực Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 05/4/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh quy định nội dung và mức chi kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

4.Phát huy vai trò của công tác thi hành án dân sự trong việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước:

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và triển khai  thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Chỉ thị 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ;  tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác Thi hành án dân sự; phấn đấu giảm nhanh số vụ việc tồn đọng có điều kiện chưa thi hành trong năm 2007; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong hoàn toàn đạt từ 75% trở lên về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành. Tranh thủ Bộ Tư pháp và Cục thi hành án dân sự đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở cơ quan Thi hành án cấp tỉnh và THADS các huyện, thành phố; Tổ chức thi tuyển bổ sung đủ biên chế thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp giao năm 2007. Tiếp tục tạo nguồn và đề nghị Bộ xem xét bổ nhiệm Trưởng THADS ở những nơi còn thiếu, khuyết. Thường xuyên chú trọng việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án.

Duy trì thực hiện “đường dây nóng” về thi hành án dân sự; đẩy lùi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các sai phạm.

 5.Công tác hành chính và bổ trợ tư pháp:

Tăng cường quản lý, củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh triển khai thực hiện Thông tư số 09/2006/TT-BCA ngày 22/8/2006 của Bộ Công an; rà soát và đề nghị cấp thẻ giám định viên.

 Tăng cường sự phối hợp giữa Sở và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư trong quản lý Đoàn luật sư, các Văn phòng Luật sư. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách đạo đức tốt và bản lĩnh nghề nghiệp. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội toàn thể Đoàn Luật sư theo quy định. Tích cực phối hợp với Hội luật gia tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật cho tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật và các đối tượng có liên quan .

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính (mô hình một cửa) tại các phòng công chứng; triển khai thực hiện Luật Công chứng. Tham mưu UBND tỉnh và kết hợp với UBND huyện, thành phố chỉ đạo kiện toàn cán bộ Tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn; củng cố tàng thư hộ tịch cấp tỉnh, cấp xã; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch cấp huyện và cấp xã. Triển khai Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP.

6. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý:

Tiếp tục có biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao. Thực hiện có hiệu quả dự án trợ giúp pháp lý năm 2007. Xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Tổ trợ giúp pháp lý cấp huyện, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý xã, thị trấn. Tăng cường phát triển đội ngũ cộng tác viên; nâng chất hoạt động của các Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các huyện.

Phối hợp một số đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý miễn phí tại các tổ chức này. Đẩy mạnh trợ giúp lưu động miễn phí đến những xã nghèo và vùng sâu, vùng xa có khó khăn, tạo điều kiện cho nhân dân ngày càng tiếp cận được các văn bản pháp luật.

7.Công tác Dịch vụ Bán đấu giá tài sản:

Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Triển khai và thực hiện tốt quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính áp dụng cho Trung tâm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao từ năm 2007.

Tích cực chủ động tìm nguồn và thực hiện hợp đồng bán tài sản; thanh toán với đơn vị hợp đồng và phối hợp chặt chẽ với đơn vị hợp đồng bảo đảm giao tài sản cho người mua trong thời hạn. Chống nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân. Phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt việc bán tài sản bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Xây dựng Đề án cải cách một cửa về dịch vụ, bán đấu giá tài sản.

8.Công tác Thi đua – khen thưởng:

Làm tốt vai trò, nhiệm vụ Trưởng Khu vực thi đua các Sở Tư pháp 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2007. Phát động phong trào thi đua và tổ chức đăng ký các danh hiệu đầu năm 2007. Phát động thi đua nhiều đợt lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2007 và kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2007). Trên cơ sở thành tích thi đua, kịp thời đề nghị các hình thức khen thưởng nhằm động viên, kích lệ những tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc, điển hình.

9.Công tác Thanh tra:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng chất lượng và chiều sâu. Bảo đảm chế độ trực và tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo; phân loại, xử lý kịp thời, không để đơn tồn đọng, nhất là đơn tố cáo liên quan cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Tổ chức Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc, nội quy cơ quan. Tổ chức thanh tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực:  Thi hành án dân sự cấp huyện, hộ tịch, nhất là có yếu tố nước ngoài, công chứng, dịch vụ bán đấu giá tài sản, luật sư-tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm ...

Nguyễn Sơn