Cà Mau: Tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm năm 2007

01/02/2007
Năm 2006 được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị trên nhiều mặt.

Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được nâng cao. Ngành kiểm sát tập trung tăng cường công tác kiểm sát trên tất cả các khâu, từ tiếp nhận xử lý tin báo về tội phạm, kiểm sát khởi tố, điều tra, xét xử và thi hành án. Cơ quan điều tra thụ lý 986 vụ, 1.630 đối tượng. Trong năm không có trường hợp nào bị bắt, giam, giữ sai; tỷ lệ người bị bắt tạm giữ sau khởi tố đạt 96,1%. Viện kiểm sát các cấp thụ lý, giải quyết đạt 99,5%. Ngành Toà án thực hiện tốt việc xét xử theo tinh thần NQ-08 của Bộ Chính trị; tỷ lệ xét xử và giải quyết các loại án tại toà án hai cấp năm 2006 đạt 93,7%.  

Thực hiện tăng thẩm quyền xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, năm 2006 tỉnh Cà Mau có 03 đơn vị là Toà án Thành phố Cà Mau, Toà án huyện Đầm Dơi và Trần Văn Thời. Trong năm các đơn vị này đã thụ lý 41 vụ tăng thẩm quyền, 57 bị can; đã truy tố 38 vụ, 44 bị can; chất lượng giải quyết các vụ án đều đạt yêu cầu.   

Công tác giải quyết khiếu kiện về tư pháp được quan tâm và thực hiện tốt. Ngành kiểm sát giải quyết đạt 96,9%; ngành toà án và thi hành án dân sự giải quyết 100% số đơn thụ lý.  

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng triển khai với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú thu hút hàng chục ngàn đối tượng tham gia. Nhiều văn bản pháp luật mới được quan tâm phổ biến rộng rãi, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí…Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực, được cấp uỷ và UBND các cấp đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo, bổ sung lực lượng, hỗ trợ kinh phí và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án. Kết quả năm 2006 đã tổ chức thi hành 5.057 việc, đạt 75% số việc có điều kiện thi hành.   

Tuy nhiên, chất lượng điều tra một số vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; một số vụ án nghiêm trọng tiến độ giải quyết còn chậm; lượng án tồn còn nhiều; thi hành án dân sự tuy có chuyển biến nhưng kết quả còn hạn chế; việc thi hành loại án dưới 500.000 đồng đạt thấp. Việc bổ sung cán bộ có chức danh tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng hội thẩm nhân dân còn thấp. Tổ chức Hội Luật gia, Đoàn luật sư chậm được kịp thời củng cố, kiện toàn; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đều; hiệu quả chưa cao…   

Năm 2007 các nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo là: tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi đối tượng, chú trọng thực hiện tốt các giải pháp theo tinh thần chỉ thị 32 của Ban Bí thư. Tập trung sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; tiếp tục rà soát, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp bảo đảm đến năm 2008 có đủ số lượng theo quy định. Đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng mọi mặt cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, chấp hành viên…Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp như trụ sở làm việc, phòng xử án, nhà tạm giữ, các trang thiết bị… Chuẩn bị tốt các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện lộ trình tăng thẩm quyền xét xử hình sự, và giải quyết các vụ án dân sự cho các toà án còn lại theo quy định.   

Một nhiệm vụ quan trọng nữa được lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo là tăng cường công tác thi hành án dân sự và giải quyết khiếu kiện về tư pháp, thực hiện tốt Nghị quyết 388 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội. Theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, năm 2007 cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy nhanh việc thi hành các bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật; tập trung giải quyết dứt điểm một sồ vụ việc tồn đọng, kéo dài. Có biện pháp chỉ đạo thực hiện bảo đảm thi hành đạt từ 50% trở lên đối với các vụ việc dưới 500.000 đồng. Tiếp tục rà soát, giải quyết kịp thời đúng pháp luật đơn thư khiêu nại tố cáo của công dân, không để tồn đọng. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 388; xem xét và giải quyết kịp thời các trường hợp đòi bồi thường thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 388, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.   

Nguyễn Sơn