Vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2006. Dự hội nghị có các ngành, thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, các cơ quan tham gia
Chương trình 212 của tỉnh và đại diện Hội đồng PBGDPL huyện, thị xã, thành phố.
Sau khi nghe Thường trực Hội đồng PBPL trình bày báo cáo đánh giá công tác PBPL năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ năm 2007, ý kiến tham gia của các đại biểu dự hội nghị, đồng chí Chủ tịch kết luận:
Trong năm 2006, Hội đồng PBGDPL và các ngành, các cấp đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; công tác biên soạn tài liệu tuyên truyền, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều tiến bộ. Song song với những công tác đó, các cấp, các ngành chức năng đã thực hiện triệt để hơn công tác phát hiện, xử lý vi phạm, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tuyên truyền. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế, pháp luật nhìn chung chưa đến được với nhân dân, chuyển hóa trong ý thức pháp luật của người dân nói chung chưa được như mong muốn; tình trạng vi phạm pháp luật, tai tệ nạn xã hội vẫn ngày càng gia tăng...
Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2007 và thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 32 của Ban Bí thư TW Đảng khóa IX về công tác PBGDPL. Hoạt động PBGDPL cần tập trung phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương về phát triển kinh tế xã hội; cải cách thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xóa đói giảm nghèo; bảo đảm ổn định an ninh chính trị và giữ vững pháp chế, kỷ cương. Ngoài các phương hướng, nhiệm vụ Hội đồng đã đề ra, cần lưu ý thêm một số nội dung sau:
+ Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức; Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát, thống kê hệ thống văn bản luật đã ban hành và còn hiệu lực, lựa chọn những văn bản luật cần thiết và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp phổ biến cho cán bộ, công chức theo hướng giới thiệu những nội dung cơ bản để CBCC biết và có phương pháp nghiên cứu sâu khi cần thiết. Công tác này có thể tiến hành theo từng tháng (hoặc từng quý); Hội đồng có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện của các cấp, các ngành và báo cáo UBND tỉnh.
+ Nội dung tuyên truyền phải sâu rộng, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng; hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng; Tăng số lượng, thời lượng đăng, phát các chuyên mục phổ biến pháp luật trên báo, đài truyền hình; cần xây dựng thành các tiểu phẩm hoặc biên soạn nội dung sao cho hấp dẫn, phát xen kẽ trong các chương trình phim truyện để thu hút khán giả; Nghiên cứu phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền pháp luật.
+ Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảng viên, cán bộ công chức Nhà nước phải gương mẫu học tập và chấp hành pháp luật, để từ đó có thể tham gia vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật có hiệu quả.
Nguyễn Quang Quý - Sở Tư pháp Gia Lai