Quảng Ngãi: Hoạt động kiểm tra việc ban hành văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện năm 2006

09/01/2007
Như chúng ta đã biết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua năm 1996 và sửa đổi, bổ sung năm 2002 là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo chuyển biến căn bản trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, do Luật chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương mà chỉ xác định mang tính nguyên tắc “do pháp luật quy định”, do đó, chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động ban hành văn bản của mình. Nhưng sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác ban hành văn bản của HĐND và UBND cấp huyện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được quy định thì HĐND và UBND cấp huyện đã ban hành được một số lượng lớn các văn bản pháp luật - giữ vai trò hết sức quan trọng, là phương tiện cơ bản và chủ yếu để cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, góp phần để cán bộ và nhân dân huyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức nghiên cứu, áp dụng khá tốt văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản của cấp mình. Chính vì thế mà hoạt động ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện kịp thời điều chỉnh quan hệ đời sống - xã hội, tạo ra cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực ở trong và ngoài phạm vi địa phương, kích thích kinh tế phát triển, tạo ra công ăn việc làm ngày càng nhiều ở địa phương, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt…, bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương “đổi thịt thay da” từng ngày.

Bên cạnh những ưu điểm, công tác xây dựng, ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện là công việc khó, phức tạp, không tránh những hạn chế, sai sót. Cụ thể, hàng năm theo quy định của pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành nhằm giúp Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện khắc phục, hạn chế những sai sót, trên cơ sở đó phát huy những mặt tích cực trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản. Qua thực tế kiểm tra công tác ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tại 06 huyện trong năm 2006: huyện Tây Trà, Lý Sơn, Sơn Hà, Đức Phổ, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh với tổng số văn bản được kiểm tra: 39.800 văn bản các loại thì phát hiện được: 2.105 văn bản sai sót, thường gặp ở những dạng sau đây:

- Văn bản sai về căn cứ ban hành, thường gặp ở những dạng sai sau đây: Căn cứ vào văn bản pháp luật đã hết hiệu lực. Ví dụ: Văn bản được ban hành trong năm 2003, 2004… thì lại căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/994 trong khi lẽ ra phải căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003 (Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2003). Hoặc  nhiều trường hợp văn bản được ban hành không căn cứ, dẫn chiếu đến pháp luật chuyên ngành liên quan đến vấn đề cần điều chỉnh. Ví dụ: Ban hành Quyết định về việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại không căn cứ Luật Đất đai.

- Văn bản sai về thẩm quyền ban hành, trong các sai sót về thẩm quyền phổ biến nhất là không phân biệt được thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân với thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân nhưng ban hành dưới hình thức văn bản của Uỷ ban nhân dân. Ví dụ: Thành lập Hội đồng coi thi tốt nghiệp hoặc thành lập Hội đồng coi thi và chấm thi. Ngược lại, văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân nhưng ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Ví dụ: Quyết định giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân thì theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân không phải của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

- Văn bản sai về nội dung, lỗi thường gặp là trong quá trình người có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai nguyên tắc, hết thời hiệu xử phạt, phạt không đúng đối tượng, căn cứ văn bản để xử phạt không phù hợp khi hành vi vi phạm pháp luật đã được thực hiện và đã xảy ra trước khi ban hành văn bản cần căn cứ để xử phạt hành chính. Ví dụ: Hành vi đào ngũ, bỏ ngũ đã thực hiện vào năm 2000, nhưng đến năm 2005 người có thẩm quyền xử phạt mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.

- Văn bản sai về thể thức và kỹ thuật trình bày, đây là lỗi phổ biến thường gặp ở những dạng, cụ thể: Thiếu hoặc không đúng các thành phần trong văn bản. Ví dụ: Công văn nhưng lại thiếu phần trích yếu. Hoặc văn bản ký không phù hợp với chủ thể ban hành. Ví dụ: Văn bản ban hành thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân nhân nhưng khi ký ban hành thì lại là Thay mặt Uỷ ban nhân dân hoặc văn bản ban hành thuộc thẩm quyền của tập thể Uỷ ban nhân dân nhưng khi ký ban hành thì không Thay mặt Uỷ ban nhân dân mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký trực tiếp. Hoặc là hiệu lực thi hành văn bản không quy định cụ thể: ngày tháng năm có hiệu lực thi hành hoặc có quy định nhưng không đúng theo quy định tại Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004.

Qua một số lỗi phân tích trên thì công tác ban hành văn bản phần nào ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương cũng như ảnh hưởng đến chất lượng văn bản…. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng và ban hành ở địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho những người trực tiếp làm công tác tham mưu, soạn thảo văn bản để họ yên tâm công tác, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Ở cấp huyện cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân, cán bộ, công chức… ở địa phương mình. Cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004, Thông tư Liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bội Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và các văn bản pháp luật pháp luật có liên quan khác nhằm làm cho công tác xây dựng và ban hành văn bản ở chính quyền cấp cở sở ngày càng được hoàn thiện, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và đối với đất nước./.

      VĂN NHẠN