Qua 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến pháp luật giai đoạn năm 2003 đến năm 2007, Nhà trường đã thu được một số kết qủa sau:
Về lực lượng tham gia công tác phổ biến pháp luật: Xuất phát từ vị trí, chức năng của trường, từ năm 2003 đến nay, Nhà trường đã không ngừng củng cố nâng cao cả về chất lượng và số lượng đội ngũ tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trước năm 2003, Nhà trường chỉ có 09 giảng viên luật, đa số có trình độ cử nhân luật nên đã ảnh hưởng không nhỏ hiệu quả giảng dạy và công tác phổ biến pháp luật theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ tư pháp. Thì nay, Nhà trường đã có 11 giảng viên, trong đó có 6 giảng viên, có trình độ thạc sỹ chuyên ngành luật. Phần nào đã đáp ứng yêu cầu phổ biến pháp luật theo Quyết định 13 của Chính phủ.
Hàng năm, Nhà trường còn cử từ 2 đến 3 giảng viên đi tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành luật ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia. Ngoài việc được cử đi học, tập huấn, lực lượng tham gia công tác phổ biến pháp luật còn không ngừng tự học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ để truyền tải kiến thức cho học viên nhà trường.
Đa dạng hoá hình thức, biện pháp phổ biến pháp luật: Do đối tượng phổ biến pháp luật của trường đa dạng, nên tuỳ theo từng đối tượng mà nhà trường có biện pháp giảng dạy pháp luật phù hợp với từng đối tượng học viên.
Đối với số cán bộ chính quyền cơ sở: Nhà trường đi sâu giảng dạy các quy định về trình tự, thủ tục liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cơ sở; về đảm bảo các quyền tự do dân chủ, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết các vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, hình sự; giải quyết tranh chấp về đất đai; quy chế tiếp công dân; quy chế dân chủ ở cơ sở…
Đối với cán bộ công chức viên chức trong cơ quan, Nhà trường dành nhiều thời gian để phổ biến, giảng dạy các quy định của pháp luật về Pháp lệnh cán bộ, công chức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; pháp luật về lao động, về bảo hiểm xã hội…
Đối với các lớp học viên là đội ngũ giáo viên trong tỉnh, Nhà trường nhấn mạnh đến việc truyền đạt nội dung của luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối tượng thuộc các cơ quan quản lý kinh tế, Nhà trường đi sâu giảng dạy pháp luật về tài chính, kinh tế, thương mại..
Ngoài ra, tuỳ theo từng đối tượng mà Nhà trường còn bố trí bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho học viên theo chuyên đề riêng.
Song song với các hình thức tuyên truyền trên, một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong thời gian qua được nhà trường chú trọng, đó là tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua tủ sách pháp luật. Xác định đây là một biện pháp tuyên truyền hữu ích, mang lại nhiều kết quả. Nên trong những năm qua, Ban Giám đốc nhà trường rất quan tâm đến công tác xây dựng tủ sách pháp luật, hàng năm đầu tư từ 8 đến 9 triệu đồng cho việc mua bổ sung các đầu sách, nhất là sách pháp luật. Hiện nay, Nhà trường có 835 đầu sách với 5.729 cuốn sách về pháp luật. Ngoài ra, Nhà trường còn đặt mua Công báo và 7 loại tạp chí, báo liên quan đến pháp luật như Báo pháp luật, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Tạp chí Quản lý nhà nước... Nhờ đó, mỗi năm, phục vụ hơn 11.200 lượt người đọc và mượn tài liệu pháp luật góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho học viên.
Tóm lại, qua 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh Thái Bình ngày càng được nâng cao, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ, giảng viên cũng như của học viên trong trường ngày càng được mở rộng.Việc chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên và học viên được thực hiện tốt. Không có cán bộ, giảng viên nào vi phạm pháp luật./.
Nguyễn Ngọc Hiển