Hà Nội 6 tháng đầu thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự - Đối mặt với thực trạngTrong số 254 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án nhân dân (TAND) cấp quận, huyện ở thành phố Hà Nội được đưa ra xét xử phúc thẩm trong vòng 6 tháng gần đây thì có tới 24 vụ (9,45%) bị Tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy án (con số này cùng kỳ các năm trước là khoảng 8,5%). Một trong những nguyên nhân là do năm đầu thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự nên Tòa án các quận, huyện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Còn lại phần lớn lỗi là do vi phạm thủ tục tố tụng, thậm chí, bỏ sót người tham gia tố tụng, không làm đầy đủ thủ tục niêm yết trước khi đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn, không tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn...Xét xử sai thẩm quyền
Gia đình ông Hoàng Sỹ Thành (ở 289 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng) là một trong số các hộ phải giao nhà đất cho Nhà nước để thực hiện dự án làm đường và được đền bù đất để tái định cư. Theo "biên bản cam kết", gia đình ông Thành đã giao đất đúng thời hạn cho Ban quản lý và nhận đủ tiền thuê nhà. Tuy nhiên, phía Ban quản lý không giao đất đền bù cho ông Thành đúng thời hạn mà sau hơn 5 năm chờ đợi, gia đình ông mới nhận được đất tái định cư. Ông yêu cầu Ban quản lý phải đền bù cho ông tiền thuê nhà trong thời gian 5 năm 2 tháng là 31 triệu đồng (500.000 đồng/tháng), cộng thêm 5 triệu đồng chi phí đi lại giải quyết và chi phi ấn loát, tổng cộng là 36 triệu đồng. Vụ việc này đã được TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý và đưa ra xét xử.
TAND thành phố Hà Nội xem xét lại bản án dân sự sơ thẩm "đòi bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc giải phóng mặt bằng" nói trên và đã nhận định: "biên bản cam kết" giữa Ban quản lý và gia đình ông Thành không phải là hợp đồng dân sự mà là văn bản theo trình tự hành chính, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Bản thân Ban quản lý không phải là chủ thể dân sự khi ký "biên bản cam kết" với các hộ gia đình trong diện giải tỏa (trong đó có hộ nhà ông Thành) vì Ban quản lý không được phép tự giải quyết những nội dung vượt quá kinh phí được cấp. Hơn nữa, nội dung khiếu nại của ông Thành liên quan đến chính sách đền bù trong giải phóng mặt bằng thuộc lĩnh vực hành chính. Vì vậy, việc thụ lý, giải quyết yêu cầu từ phía ông Thành của TAND quận Hai Bà Trưng về quan hệ pháp luật dân sự là không đúng thẩm quyền. Do đó, TAND thành phố đã tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tháng 7/2005, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng đã nhận đơn khiếu nại của ông Thành và xem xét, báo cáo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định trả lời.
Án đã tuyên, lại... xử tiếp
Lật tìm lại những bản án sơ thẩm của Tòa cấp quận, huyện (Hà Nội) bị hủy, có những vụ việc "cười ra nước mắt" khi trước đó đã được phán quyết bằng 1 bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa quận, huyện vẫn "cẩn thận" mang ra... xử tiếp. Lý do chính phần nhiều thuộc về thẩm phán được giao nhiệm vụ thụ lý đã không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ vụ án và các mối quan hệ xoay quanh, khiến cho không nắm bắt được hết các tình tiết có liên quan tới vụ việc. Điển hình như vụ tranh chấp thanh toán hợp đồng mua bán nhà, đất tại số 9 Lê Hồng Phong (quận Ba Đình, Hà Nội) giữa cụ Phùng Kim Liên (ở 48 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm) với bị đơn là Bộ Tư lệnh cảnh vệ (trụ sở tại số 1 phố Lê Hồng Phong) đã được xét xử bằng bản án dân sự phúc thẩm số 18/DSPT ngày 6,7/5/1977 của TAND Tối cao. Các bên đương sự không khiếu nại bản án phúc thẩm, nhưng TAND quận Ba Đình lại đưa ra xét xử. Khi "vỡ nhẽ", TAND thành phố Hà Nội đã quyết định hủy án dân sự của Tòa quận Ba Đình. Hay như trường hợp của TAND quận Hoàn Kiếm xử vụ kiện đòi nhà cho thuê tại số 35 phố Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm). Sau khi xử xong, (Hội đồng xét xử) HĐXX mới "ngã ngửa" ra khi biết trước đó TAND thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án này tại bản án số 117 sơ thẩm dân sự (ngày 25/10/1972) và án đã có hiệu lực pháp luật do không có kháng cáo, kháng nghị của các bên.
Xử rồi... vẫn như chưa
Trong số 24 bản án bị hủy này thì có tới 9 trường hợp là do điều tra không đầy đủ dẫn đến giải quyết vụ án chưa triệt để, 6 vụ bị bỏ sót người tham gia tố tụng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Điển hình như bản án sơ thẩm số 16/2005/LHST ngày 30/6/2005 của TAND huyện Từ Liêm về vụ án ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Thu Nga và anh Chu Văn Hạnh ở số 2 tổ 10 thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm. Ngôi nhà của họ được xây dựng trên mảnh đất do cơ quan cấp cho anh Hạnh từ năm 1989. Năm 1990, anh Hạnh kết hôn với chị Nga, cùng xây nhà và đứng tên sở hữu. Năm 2001, chị Nga và anh Hạnh thống nhất bán một phần nhà trên diện tích 51,6 m2 cho anh Lê Hồng Phong. Sau đó, anh Hạnh lại làm giấy bán cho anh Đỗ Minh Cương một phần nhà đất có diện tích 78,2 m2.
Tại phán quyết sơ thẩm, Tòa Từ Liêm căn cứ vào nguồn gốc đất nên đã chia cho anh Hạnh 2/3 giá trị nhà đất là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, án sơ thẩm lại chia cho anh Hạnh phần nhà đất mà anh đã bán cho anh Cương, hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa anh Hạnh và anh Cương nhưng lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (bồi thường giữa các bên) là không triệt để, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Thêm vào đó, án sơ thẩm còn nhận định đương sự (anh Hạnh, anh Cương) không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc mua bán nhà đất năm 2001 là không đúng. Ngay tại phiên sơ thẩm, anh Cương cũng đề nghị Tòa chấp nhận việc mua bán nhà đất để làm thủ tục tách sổ đỏ. Vì vậy, TAND thành phố Hà Nội đã hủy phần tài sản của bản án ly hôn sơ thẩm, giao hồ sơ lại về Tòa huyện Từ Liêm để giải quyết lại phần tài sản theo thủ tục chung.
Trên thực tế, không ít thẩm phán còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa nghiên cứu kỹ, nắm bắt cụ thể các văn bản pháp luật, Bộ luật tố tụng dân sự, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao... nên mắc phải những sai sót không đáng có trong quá trình thụ lý, xét xử. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, cập nhật những văn bản pháp luật mới liên quan, ngành Tòa án cũng cần chú trọng công tác cải cách tư pháp, tranh tụng dân chủ, công khai tại phiên tòa và giám sát, rút kinh nghiệm trong việc triển khai luật.../.
(Theo website Đảng Cộng sản)
Hà Nội 6 tháng đầu thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự - Đối mặt với thực trạng
24/07/2006
Trong số 254 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án nhân dân (TAND) cấp quận, huyện ở thành phố Hà Nội được đưa ra xét xử phúc thẩm trong vòng 6 tháng gần đây thì có tới 24 vụ (9,45%) bị Tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy án (con số này cùng kỳ các năm trước là khoảng 8,5%). Một trong những nguyên nhân là do năm đầu thực hiện
Bộ luật Tố tụng dân sự nên Tòa án các quận, huyện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Còn lại phần lớn lỗi là do vi phạm thủ tục tố tụng, thậm chí, bỏ sót người tham gia tố tụng, không làm đầy đủ thủ tục niêm yết trước khi đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn, không tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn...
Xét xử sai thẩm quyền
Gia đình ông Hoàng Sỹ Thành (ở 289 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng) là một trong số các hộ phải giao nhà đất cho Nhà nước để thực hiện dự án làm đường và được đền bù đất để tái định cư. Theo "biên bản cam kết", gia đình ông Thành đã giao đất đúng thời hạn cho Ban quản lý và nhận đủ tiền thuê nhà. Tuy nhiên, phía Ban quản lý không giao đất đền bù cho ông Thành đúng thời hạn mà sau hơn 5 năm chờ đợi, gia đình ông mới nhận được đất tái định cư. Ông yêu cầu Ban quản lý phải đền bù cho ông tiền thuê nhà trong thời gian 5 năm 2 tháng là 31 triệu đồng (500.000 đồng/tháng), cộng thêm 5 triệu đồng chi phí đi lại giải quyết và chi phi ấn loát, tổng cộng là 36 triệu đồng. Vụ việc này đã được TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý và đưa ra xét xử.
TAND thành phố Hà Nội xem xét lại bản án dân sự sơ thẩm "đòi bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc giải phóng mặt bằng" nói trên và đã nhận định: "biên bản cam kết" giữa Ban quản lý và gia đình ông Thành không phải là hợp đồng dân sự mà là văn bản theo trình tự hành chính, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Bản thân Ban quản lý không phải là chủ thể dân sự khi ký "biên bản cam kết" với các hộ gia đình trong diện giải tỏa (trong đó có hộ nhà ông Thành) vì Ban quản lý không được phép tự giải quyết những nội dung vượt quá kinh phí được cấp. Hơn nữa, nội dung khiếu nại của ông Thành liên quan đến chính sách đền bù trong giải phóng mặt bằng thuộc lĩnh vực hành chính. Vì vậy, việc thụ lý, giải quyết yêu cầu từ phía ông Thành của TAND quận Hai Bà Trưng về quan hệ pháp luật dân sự là không đúng thẩm quyền. Do đó, TAND thành phố đã tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tháng 7/2005, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng đã nhận đơn khiếu nại của ông Thành và xem xét, báo cáo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định trả lời.
Án đã tuyên, lại... xử tiếp
Lật tìm lại những bản án sơ thẩm của Tòa cấp quận, huyện (Hà Nội) bị hủy, có những vụ việc "cười ra nước mắt" khi trước đó đã được phán quyết bằng 1 bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa quận, huyện vẫn "cẩn thận" mang ra... xử tiếp. Lý do chính phần nhiều thuộc về thẩm phán được giao nhiệm vụ thụ lý đã không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ vụ án và các mối quan hệ xoay quanh, khiến cho không nắm bắt được hết các tình tiết có liên quan tới vụ việc. Điển hình như vụ tranh chấp thanh toán hợp đồng mua bán nhà, đất tại số 9 Lê Hồng Phong (quận Ba Đình, Hà Nội) giữa cụ Phùng Kim Liên (ở 48 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm) với bị đơn là Bộ Tư lệnh cảnh vệ (trụ sở tại số 1 phố Lê Hồng Phong) đã được xét xử bằng bản án dân sự phúc thẩm số 18/DSPT ngày 6,7/5/1977 của TAND Tối cao. Các bên đương sự không khiếu nại bản án phúc thẩm, nhưng TAND quận Ba Đình lại đưa ra xét xử. Khi "vỡ nhẽ", TAND thành phố Hà Nội đã quyết định hủy án dân sự của Tòa quận Ba Đình. Hay như trường hợp của TAND quận Hoàn Kiếm xử vụ kiện đòi nhà cho thuê tại số 35 phố Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm). Sau khi xử xong, (Hội đồng xét xử) HĐXX mới "ngã ngửa" ra khi biết trước đó TAND thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án này tại bản án số 117 sơ thẩm dân sự (ngày 25/10/1972) và án đã có hiệu lực pháp luật do không có kháng cáo, kháng nghị của các bên.
Xử rồi... vẫn như chưa
Trong số 24 bản án bị hủy này thì có tới 9 trường hợp là do điều tra không đầy đủ dẫn đến giải quyết vụ án chưa triệt để, 6 vụ bị bỏ sót người tham gia tố tụng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Điển hình như bản án sơ thẩm số 16/2005/LHST ngày 30/6/2005 của TAND huyện Từ Liêm về vụ án ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Thu Nga và anh Chu Văn Hạnh ở số 2 tổ 10 thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm. Ngôi nhà của họ được xây dựng trên mảnh đất do cơ quan cấp cho anh Hạnh từ năm 1989. Năm 1990, anh Hạnh kết hôn với chị Nga, cùng xây nhà và đứng tên sở hữu. Năm 2001, chị Nga và anh Hạnh thống nhất bán một phần nhà trên diện tích 51,6 m2 cho anh Lê Hồng Phong. Sau đó, anh Hạnh lại làm giấy bán cho anh Đỗ Minh Cương một phần nhà đất có diện tích 78,2 m2.
Tại phán quyết sơ thẩm, Tòa Từ Liêm căn cứ vào nguồn gốc đất nên đã chia cho anh Hạnh 2/3 giá trị nhà đất là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, án sơ thẩm lại chia cho anh Hạnh phần nhà đất mà anh đã bán cho anh Cương, hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa anh Hạnh và anh Cương nhưng lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (bồi thường giữa các bên) là không triệt để, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Thêm vào đó, án sơ thẩm còn nhận định đương sự (anh Hạnh, anh Cương) không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc mua bán nhà đất năm 2001 là không đúng. Ngay tại phiên sơ thẩm, anh Cương cũng đề nghị Tòa chấp nhận việc mua bán nhà đất để làm thủ tục tách sổ đỏ. Vì vậy, TAND thành phố Hà Nội đã hủy phần tài sản của bản án ly hôn sơ thẩm, giao hồ sơ lại về Tòa huyện Từ Liêm để giải quyết lại phần tài sản theo thủ tục chung.
Trên thực tế, không ít thẩm phán còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa nghiên cứu kỹ, nắm bắt cụ thể các văn bản pháp luật, Bộ luật tố tụng dân sự, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao... nên mắc phải những sai sót không đáng có trong quá trình thụ lý, xét xử. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, cập nhật những văn bản pháp luật mới liên quan, ngành Tòa án cũng cần chú trọng công tác cải cách tư pháp, tranh tụng dân chủ, công khai tại phiên tòa và giám sát, rút kinh nghiệm trong việc triển khai luật.../.
(Theo website Đảng Cộng sản)