Sau 4 năm, thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, ngành Tư pháp tỉnh Hà Tây phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả cao. Năm 2006, ngành Tư pháp Hà Tây đã đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế thiếu sót còn tồn tại để làm tiền đề cho những năm tiếp theo của quá trình thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Khái Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tây và ghi lại một số ý kiến của ông về Một số vấn đề cần khắc phục để đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp hiện nay tại Hà Tây
* Nâng cao nhận thức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Từ trước đến nay, ngành Tư pháp Hà Tây luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp. Với phương châm đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, ngành Tư pháp Hà Tây đã triển khai sâu rộng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Khi Nghị quyết số 08 được ban hành, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 19 ngày 25/3/2002 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và được các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện. Từ đó, các đơn vị đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để công tác này hoạt động có chiều sâu và đồng bộ. Chính vì thế những nhận thức lệnh lạc cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp, nay từng bước được khắc phục. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở các cấp; nhiều đơn vị thành lập Ban công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuộc quyền quản lý cho cán bộ, công chức và nhân dân. Hàng năm, UBND các cấp đều có kế hoạch để tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Các cơ quan Tư pháp phát huy được vai trò đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú như: biên soạn và phát hành Bản tin Tư pháp, cuốn Hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, băng catset có nội dung tìm hiểu pháp luật… với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ phát hành đến cơ sở về các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, Dân sự, Luật Đất đai, Luật giao thông đường bộ…. Các tủ sách, ngăn sách pháp luật đã và đang phát huy được tác dụng và được coi là phương tiện có hiệu quả cho việc tìm hiểu, khai thác, sử dụng cho hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tìm hiểu và chấp hành chính sách pháp luật ở địa phương.
Trong thời gian qua, cùng với các hình thức mở hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát hành tài liệu pháp luật thì trên một vạn hoà giải viên cơ sở chính là những tuyên truyền viên tích cực chuyển tải pháp luật về tới mỗi gia đình. Với việc hoà giải thành hàng ngàn vụ mâu mắc các hoà giải viên góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ an ninh, trật tự trong thôn xóm, cụm dân cư. Năm 2005, các cơ quan Tư pháp đã giúp UBND các cấp tiến hành tổ chức thành công Hội thi Hoà giải viên giỏi lần thứ 2 và phối hợp Hội Phụ nữ tổ chức cuộc thi Nữ hoà giải viên giỏi trên toàn tỉnh. Việc làm này đã động viên và tôn vinh những người làm công tác hoà giải, đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật cho chính người làm công tác hoà giải. Với kết quả của công tác này mang lại một lần nữa khẳng định đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả hơn các hình thức tuyên truyền khác. Cuộc thi Chủ tịch UBND cấp xã với kiến thức pháp luật được tổ chức trong năm 2003 là một trong hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và có tác dụng tích cực trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho chính quyền cơ sở.
Nhưng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn những hạn chế cần khắc phục: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Các Báo cáo viên và Tuyên truyền viên pháp luật chưa phát huy được vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí giành cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn hẹp, người làm công tác hoà giải chưa được quan tâm đúng mức, có nơi khai thác tủ sách pháp luật chưa hiệu quả…
* Cần sự hợp tác của chính quyền cơ sở trong công tác thi hành án
Trong 4 năm qua, công tác Thi hành án dân sự đã có những tiến bộ đáng kể, số việc thi hành án xong năm sau cao hơn năm trước. Có nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm. Trong thời gian này, các cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết xong 14.201 việc /14.977 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ chung là 94,8%, với số tiền đã thi hành là 45,5 tỉ đồng. UBND các cấp đã coi trọng công tác Thi hành án dân sự và có nhiều biện pháp chỉ đạo có hiệu quả. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự ở các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn, nhiều xã đã thành lập được Ban chỉ đạo Thi hành án. Những vụ việc có giá trị từ 500.000đ trở xuống được chuyển giao cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành là chủ trương đúng đắn, đã phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với công tác thi hành án. Do đó nhiều vụ việc tuy số tiền phải thi hành không lớn, tồn đọng nhiều năm, nay được giải quyết dứt điểm bằng nhiều hình thức linh hoạt và có hiệu quả cao, đạt tới 97% số vụ việc có điều kiện thi hành.
Tuy nhiên, hoạt động thi hành án dân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nơi thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng tham gia vào việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành. Cá biệt một số nơi, chính quyền cơ sở còn có biểu hiện không hợp tác với cơ quan thi hành án trong việc thuyết phục, cưỡng chế thi hành án nên đã tạo tâm lý coi thường các quyết định của Toà án và không tôn trọng pháp luật trong một bộ phận nhân dân.
* Cán bộ tư pháp cơ sở: 3 ít và 3 nhiều
Trong thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm và có những chủ trương, quy định cụ thể về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Tư pháp nên hoạt động của các cơ quan này có nhiều thuận lợi hơn trước đây. Các huyện, thị xã đã củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bổ sung cán bộ của các Phòng Tư pháp. Do đó các Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã phát huy được vai trò, khả năng của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp về công tác tư pháp. Tuy nhiên, đến nay một số Phòng Tư pháp vẫn còn thiếu cán bộ, có nơi chỉ có 2 hoặc 3 cán bộ. Như thế thì rất khó làm việc, chỉ riêng việc chứng thực cũng phải sử dụng ít nhất 1 cán bộ chuyên trách nên một số công việc khác của Tư pháp đã không làm được hoặc có làm thì cũng chỉ là chiếu lệ, đại khái.
Hiện nay chức danh Tư pháp – Hộ tịch là một chức danh khá độc đáo, có thể gọi là “hai trong một” có nghĩa là vừa tư pháp vừa hộ tịch. Những năm qua, Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức 2 khoá học Trung cấp luật đào tạo được 270 cán bộ tư pháp cơ sở. Số cán bộ này về địa phương đã giúp UBND cấp xã quản lý công tác Tư pháp – Hộ tịch ở cơ sở rất có hiệu quả. Nhưng sau một thời gian làm công tác Tư pháp – Hộ tịch hoặc mỗi kỳ bầu đại biểu Hội đồng nhân dân thì một số không ít trong số này được bầu vào HĐND hoặc bổ nhiệm vào các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc điều động sang vị trí công tác khác. Thay vào đó là cán bộ mới chưa được đào tạo về chuyên môn. Sự thăng tiến của cán bộ Tư pháp cơ sở là điều đáng mừng nhưng là thách thức lớn cho việc đào tạo và chuyên nghiệp hoá đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Nhiệm vụ của cán bộ tư pháp cơ sở là rất lớn, theo Thông tư số 04/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thì cán bộ Tư pháp phải thực hiện 12 nhóm việc như sau: Đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, soạn thảo các văn bản về công tác tư pháp, tự kiểm tra các quyết định, chỉ thị của UBND cấp xã ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng, cụm dân cư; xây dựng kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trực tiếp quản lý việc khai thác tủ sách pháp luật; thực hiện việc đôn đốc thi hành án …Từ năm 2006, được giao thêm việc cải chính hộ tịch đối với người dưới 14 tuổi.
Nhiều việc là vậy nhưng hiện tồn tại một nghịch lý ở cán bộ Tư pháp – hộ tịch cấp cơ sở là: 3 ít và 3 nhiều: 3 ít là ít được đào tạo, ít tính chuyên nghiệp và ít kinh phí hoạt động; 3 nhiều là: Nhiều việc, nhiều trách nhiệm và nhiều khả năng sai sót. Vì vậy việc quan tâm của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác Tư pháp - hộ tịch là hết sức cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy hoạch nguồn để bổ sung kịp thời cho những vị trí còn trống do thay đổi tự nhiên hoặc luân chuyển cán bộ. Một trong những biện pháp để khắc phục tình trạng này là UBND tỉnh cần có kế hoạch và dành một phần kinh phí hợp lý và giao cho Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội mở lớp trung cấp luật để đào tạo bổ sung đội ngũ này./.
(Công Dũng)