Đó là sự thật được thừa nhận tại buổi hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử án hình sự” do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM tổ chức vào cuối tuần qua. Theo các đại biểu, mặc dù thời gian gần đây chất lượng của hoạt động tư pháp đã được nâng lên nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo Đại tá Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM, hiện nay, sự phối hợp trong điều tra xử lý án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc chưa nhịp nhàng, nhất là trong giai đoạn điều tra ban đầu. Theo lời ông, trong một số vụ án, khi gặp vướng mắc cần được trao đổi thống nhất, cơ quan điều tra gửi văn bản hỏi thì viện kiểm sát trả lời chậm, hoặc nếu có thì quan điểm cũng không rõ ràng, thậm chí không hồi âm!
Bà Nguyễn Ngọc Điệp – Phó Viện trưởng VKSND TPHCM - cũng thừa nhận rằng nhận thức pháp luật giữa ba ngành công an – viện kiểm sát – tòa án vẫn chưa thống nhất, dẫn đến tỷ lệ án trả điều tra bổ sung cao. Năm 2005, số hồ sơ bị viện kiểm sát hai cấp trả để điều tra bổ sung chiếm 13,8% trên tổng số vụ cơ quan điều tra đề nghị truy tố. Một trong những nguyên nhân của sự thiếu thống nhất này được bà lý giải là do quy định pháp luật hình sự còn nhiều bất cập, không ít quy định đến nay vẫn chưa được hướng dẫn thi hành cụ thể.
Ngoài ra, trình độ, năng lực của cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Chung – Phó trưởng Phòng Kiểm sát án hình sự, VKSND TPHCM – thẳng thắn nói: “Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm nhìn chung còn yếu. Biểu hiện tự bằng lòng, bảo thủ vẫn là đặc trưng chủ yếu của kiểm sát viên hiện nay”. Trường hợp vụ án được đưa ra xét xử nhưng những người tiến hành tố tụng chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ không phải là ít. Từ đó dẫn đến tình trạng thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét hỏi không bám sát nội dung vụ án; kiểm sát viên đưa ra chứng cứ không thuyết phục khi tranh luận với các luật sư. Chưa kể có kiểm sát viên do không nghiên cứu văn bản pháp luật nên khi luật sư đưa ra các căn cứ pháp lý mới thì tỏ ra bối rối và né tránh việc tranh luận.
Vấn đề này cũng tồn tại tương tự ở ngành công an. Theo Đại tá Nguyễn Thế Bình (Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an), hiện chỉ có 42% điều tra viên trong cả nước có trình độ đại học trong khi phải thụ lý lượng án quá nhiều nên kết quả điều tra chưa cao là điều tất yếu. Nhưng đáng lo hơn là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra quận – huyện, tỉnh – thành có vai trò rất lớn đối với quá trình điều tra, nhưng nhìn chung trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh nói rõ thêm: Có rất ít thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra có trình độ, kinh nghiệm bằng các điều tra viên trung cấp. Ngoài ra, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra quận – huyện thường là kiêm nhiệm nên khó dành thời gian trọn vẹn cho công tác điều tra – thường thì chỉ có thể dành khoảng từ 1/3 đến 1/2 thời gian làm việc.
Ngoài những vấn đề nêu trên, công tác điều tra – truy tố – xét xử còn gặp không ít khó khăn do quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 chưa đầy đủ, hoặc chưa có thông tư liên ngành hướng dẫn kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Phó chánh Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM Nguyễn Xuân Phát nêu vấn đề: Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định luật sư bào chữa cho bị cáo phải có giấy chứng nhận bào chữa do chủ tọa phiên tòa ký thì mới được đọc hồ sơ vụ án.
Luật sư bị “bắt bí” bởi vòng luẩn quẩn – chỉ được cấp giấy chứng nhận bào chữa nếu có chữ ký đồng ý của bị cáo, nhưng muốn được gặp bị cáo thì phải có “tấm giấy thông hành” này! Theo các đại biểu, một số vướng mắc nổi cộm khác trong thời gian qua còn có: công tác giám định về tài chính và xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, các kết quả giám định pháp y tâm thần trong cùng một vụ án đối với cùng một người nhiều lúc trái ngược nhau; quy định thời gian phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp, thời gian tạm giam, gia hạn tạm giam, thời gian điều tra chưa phù hợp…
Điều đáng nói là những khó khăn, vướng mắc này đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Các buổi họp liên ngành, các cuộc hội thảo nhiều lần được tổ chức hầu như chỉ đưa đến kết quả chung chung. Và như thế, “con đường” cải cách tư pháp vẫn còn lắm gian nan.
- Trong hai năm 2004 – 2005, có 145 vụ án bị đình chỉ điều tra với 257 bị can. Lý do vụ án bị đình chỉ điều tra nhiều nhất là hành vi không cấu thành tội phạm (22 vụ, 39 bị can). Bên cạnh đó là bị can chết hoặc bị bệnh tâm thần, người bị hại bãi nại, thiếu chứng cứ truy tố…
- Có 1.648 vụ án bị đề nghị điều tra bổ sung (chiếm tỷ lệ 14,59% số vụ cơ quan điều tra đề nghị truy tố), 1.446 vụ án bị tạm đình chỉ điều tra trong hai năm 2004 – 2005.
- VKSND hai cấp đã có 49 văn bản kiến nghị cơ quan điều tra khắc phục thiếu sót trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Các kiến nghị này đều được cơ quan điều tra chấp nhận và khắc phục.
(Theo số liệu về chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra án tại TPHCM) |
(Theo SGGP)