Các tổng công ty cần bộ phận pháp chế

05/05/2006
Đó là một trong những nội dung mới được nêu ra trong dự thảo Nghị định về hỗ trợ thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp. Bộ Tư pháp, cơ quan soạn dự thảo này đánh giá, yếu kém trong tiếp cận thông tin pháp luật làm tăng khả năng rủi do, hạn chế hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo nghị định này sáng 27/4, đại diện Bộ Tư pháp đã đưa ra con số "giật mình" sau một cuộc khảo sát: 50-80% doanh nghiệp phải nhờ cậy các mối quan hệ với cơ quan nhà nước hoặc phải có sự hỗ trợ của bạn bè và người thân mới tiếp cận thông tin (trong đó có thông tin pháp lý) . Kết quả điều tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy, khoảng 70-80% trong số gần 1.300 doanh nghiệp không hiểu hoặc hoặc hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh.

Kinh doanh nhưng không nắm vững luật

Bộ Tư pháp cho biết, nhận thức pháp luật của nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Không chỉ doanh nghiệp mới thành lập mà cả ở những đơn vị hoạt động đã lâu, tình trạng phổ biến là người quản lý không nắm được các quy định cơ quy định cơ bản về pháp luật kinh doanh. Việc này đặc biệt nghiêm trọng ở các địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM.

Nguyên nhân của vấn đề trên được nhìn nhận là do người quản lý doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn, thuộc sở hữu nhà nước chưa chú trọng việc áp dụng, thực hiện pháp luật. Nó ảnh hưởng, gây ra những rủi ro trong kinh doanh.

Tuy nhiên, một vấn đề khác là khó tiếp cận các văn bản pháp luật. Góp ý về dự thảo nghị định, ông Đào Ngọc Lý (Trưởng phòng pháp chế và thanh tra Tổng công ty Chè) nêu thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề về pháp lý, nhưng loanh quanh không biết bấu víu vào đâu để giải quyết vướng mắc, vì không có được văn bản pháp luật cần thiết trong tay.

Cùng quan điểm này, bà Châu Hồng Nga (Trưởng phòng pháp chế Tổng công ty Thuốc lá VN) bức xúc khi kêu gọi: "Cần quan tâm đến doanh nghiệp nhiều hơn nữa". Theo bà, tại nhiều doanh nghiệp trong khi điều lệ hoạt động của công ty con đã có đầy đủ thì điều lệ công ty mẹ lại chưa được ban hành, vì chưa có văn bản hướng dẫn. Đây là hậu quả của việc "sinh con rồi mới sinh cha", khiến lãnh đạo vướng mắc, lúng túng trong việc ban hành văn bản với cấp dưới.

Dự thảo Nghị định đề nghị Chính phủ đầu tư kinh phí để xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật kinh doanh quốc gia. Việc này sẽ giải quyết được tình trạng bất cập là thông tin về văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đầy đủ, hệ thống và toàn diện.

Một biện pháp được nêu trong dự thảo là, các cơ quan cấp bộ, chính phủ phải cung cấp tài liệu, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là tài liệu mới ban hành. Những đơn vị này phải trả lời bằng văn bản theo yêu cầu của doanh nghiệp về những vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của mình. Thực hiện tốt việc này sẽ không còn tình trạng đùn đẩy, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi có yêu cầu của doanh nghiệp về hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật.

Cần chiến lược đầu tư về người tư vấn cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định khuyến khích các tổ chức dịch vụ tư vấn pháp luật, phát triển hoạt động tư vấn pháp luật để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức này được tạo điều kiện tiếp cận thông tin pháp lý, tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

Theo một số chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vai trò của đội ngũ tư vấn pháp luật nhưng vẫn chưa biết cách phát huy hiệu quả. "Có đơn vị than vãn, tuyển một lúc 4-5 cử nhân luật, nhưng tình hình vẫn chẳng có chuyển biến nhiều vì họ bố trí cán bộ không hợp lý. Mỗi người "đóng" tại một phòng, chưa tạo thành bộ máy tổng thể", ông Đào Ngọc Lý nêu ví dụ. Luật sư này cho biết, ông từng kiểm tra việc soạn thảo văn bản của một số cử nhân luật được tuyển vào doanh nghiệp. "Có tới 70% văn bản không đạt yêu cầu", ông trăn trở.

Nhiều doanh nghiệp cũng tính tới việc thuê luật sư giải quyết các vấn đề về pháp lý nảy sinh trong kinh doanh. Nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. "Mỗi luật sư chỉ mạnh về một mảng (đất đai, thương mại...). Khi chúng tôi cần tư vấn, họ khất, cần thời gian nghiên cứu. Đến khi trả lời, thì đã qua mất thời điểm cần giải quyết vấn đề, hoặc chúng tôi đã tìm được cách khác", bà Nga khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Nghị định đặt ra vấn đề thành lập bộ phận pháp chế trong các tổng công ty (doanh nghiệp lớn của nhà nước) là "gãi trúng vấn đề". Bộ phận này gồm những người am hiểu pháp luật, cùng với cọ xát thực tế kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp người quản lý có những quyết sách đúng, triển khai hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, hạn chế rủi ro.

(Theo VnExpress)