Hà nội: Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, công tâm, thành thạo nghiệp vụ

04/05/2006
Hà nội: Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, công tâm, thành thạo nghiệp vụ
Sáng 3-5, Ban Thường vụ Thành ủy dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, UVBCT, Bí thư Thành ủy đã nghe các sở, ngành báo cáo và chỉ đạo kế hoạch triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, hoạt động của các ngành tư pháp Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên kết quả công tác tư pháp ở một số lĩnh vực chưa cao, còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Việc thực hiện tranh tụng tại một số phiên tòa còn mang tính hình thức, tính chất tranh tụng chưa cao, tính khả thi của các bản án dân sự và phần dân sự trong các bản án hình sự còn thấp. Công tác giải quyết khiếu kiện trong lĩnh vực tư pháp vẫn còn tồn đọng, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết, gây dư luận xấu trong nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của cơ quan Tư pháp quận, huyện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...


Ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Sau khi nghe các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết 49, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác tư pháp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu, nhấn mạnh cải cách tư pháp là vấn đề hết sức cấp thiết, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Công tác tư pháp thời gian vừa qua còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, chính vì vậy trong vòng 3 năm, Bộ Chính trị đã có 2 nghị quyết về công tác tư pháp. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, muốn xây dựng Đề án hay kế hoạch thực hiện Nghị quyết 49, trước tiên phải có cách đặt vấn đề rõ ràng, dễ hiểu. Những văn bản mà các sở, ngành trình, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy vẫn còn chồng chéo, trùng lặp, vừa thiếu lại vừa thừa, nặng về nghiệp vụ tư pháp, chưa đúng tầm Nghị quyết hoặc Đề án của Thành ủy.


Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng, có thể xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trong đó phải đánh giá kết quả mặt được, chưa được của hoạt động tư pháp Thành phố trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 08; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường oan sai, tranh tụng tại phiên tòa; cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp... Về mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện công tác cải cách tư pháp, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tất cả các hoạt động tư pháp là nhằm răn đe, phòng ngừa để không xảy ra tội phạm; xét xử nghiêm minh, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước mắt, đẩy mạnh giáo dục nhận thức về yêu cầu phải cải cách tư pháp, hiểu biết về pháp luật. Các cơ quan tư pháp phải làm đúng chức năng, hết trách nhiệm, phải có tinh thần chiến đấu, không nể nang, né tránh; xây dựng cơ quan, kiện toàn tổ chức bộ máy tư pháp, thực hiện cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, công tâm, thành thạo nghiệp vụ, hiểu biết luật pháp; xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chế độ chính sách; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49, cần rõ ràng, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công trách nhiệm cá nhân.


Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện Báo cáo kết quả công tác tư pháp của Thành phố trong những năm qua, sớm hoàn thành Dự thảo Đề án thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để trình Ban Thường vụ; Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị tổng kết trước khi ban hành Đề án; mọi công việc nêu trên phải hoàn tất trong tháng 5-2006.

(Theo Hà nội mới)