Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Thành uỷ Hà Nội đã xác định điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về mặt tư tưởng để tạo ra sự nhận thức thống nhất trong Đảng bộ, nhất là trong các cơ quan tư pháp. Việc đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp trong tiến trình đổi mới bộ máy Nhà nước nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thành uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ và các cơ quan tư pháp thành phố xây dựng các đề án cụ thể để triển khai ở địa phương hoặc cấp mình. Các cơ quan tư pháp đã tổ chức rà soát, xây dựng hệ thống quy chế làm việc trong từng cơ quan, từng ngành và quy chế phối hợp liên ngành, kịp thời loại bỏ các quy định không còn phù hợp, bổ sung các quy định mới gắn với yêu cầu cải cách tư pháp, tạo thành hành lang pháp lý để hoạt động của các cơ quan này phù hợp với quy định của pháp luật, phát huy tính chủ động và trách nhiệm của cán bộ, góp phần tích cực vào việc tổ chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nghị quyết 08 có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tư pháp, trong đó có nội dung quan trọng là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cải cách tư pháp. Từ thực tiễn của Hà Nội, Thành uỷ đưa ra tiêu chí cụ thể của cán bộ tư pháp là: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất trong sáng, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có kiến thức pháp lý toàn diện, năng lực thực tiễn và có ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đây là cơ sở để Thành phố, chỉ đạo rà soát đội ngũ cán bộ chủ chốt, xây dựng quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, điều động, luân chuyển cán bộ, đặc biệt coi trọng cán bộ tư pháp ở quận, huyện. Hàng năm, Thành uỷ Hà Nội phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương kiểm tra đánh giá việc thực hiện quy hoạch cán bộ tư pháp từ Thành phố đến quận, huyện. Trước hết là làm tốt công tác giáo dục về tư tưởng, động viên về tinh thần và tăng cường công tác kiểm tra, nên trong điều kiện khá phức tạp của kinh tế thị trường, cán bộ tư pháp Hà Nội thường xuyên tiếp xúc với mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, song đại bộ phận đều giữ được phẩm chất đạo đức, có lòng tự trọng nghề nghiệp, đề cao ý thức trách nhiệm, phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại do có oan sai trong tố tụng hình sự, các cơ quan tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết án kịp thời, thể hiện sự quyết tâm cao trong đấu tranh chống tội phạm; chất lượng giải quyết án tốt hơn, không để xẩy ra oan sai nghiêm trọng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, các khiếu kiện về tư pháp được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, không có các khiếu kiện bức xúc kéo dài, không để xảy ra điểm nóng hoặc xung đột pháp luật gay gắt.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các hoạt động tư pháp là phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, tăng cường hoạt động giám sát của HĐND và MTTQ đối với các cơ quan và cán bộ tư pháp. Sau khi có Nghị quyết 08, Thành uỷ Hà Nội đã có Chỉ thị 11-CT/TU ngày 19/6/2002 xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo các cơ quan tư pháp tổ chức thực hiện. Trong quá trình tiến hành Đại hội đảng các cấp, Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo các cấp uỷ rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ các cơ quan tư pháp để có sự điều chuyển, bố trí cán bộ cho phù hợp, giới thiệu các đồng chí có năng lực, phẩm chất, uy tín để đại hội bầu vào cấp uỷ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Với tinh thần tổ chức thực hiện nghiêm túc các tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 08, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được lòng tin của nhân dân vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực tiễn hơn 4 năm chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết cũng đã giúp cho Thành uỷ Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong cơ chế phối hợp lực lượng, trong nhận thức và chỉ đạo áp dụng pháp luật, trong tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Thanh Huyền
(Theo cpv.org.vn)