Sáng qua 17/12/2007, tại Hà Nam, thực thiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến 2007; và triển khai chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012.
Về dự và chỉ đạo hội nghị có ông - Nguyễn Như Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Tham dự hội nghị này còn có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện uỷ, thành uỷ và UBND 6 huyện, thị xã; lãnh đạo Ban tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ và Phòng tư pháp 6 huyện, thị xã, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL của 116 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và các đơn vị, cá nhân được khen thưởng trong dịp này.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ cho thấy, các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến xã có sự chuyển rõ rệt trong nhận thức và thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác PBGDPL của địa phương mình. Hội đồng PHCTPBGDPL các cấp không ngừng được củng cố và kiện toàn. Đến nay, Hội đồng cấp tỉnh gồm 15 thành viên là trưởng các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực hội đồng. Cấp huyện có 6 Hội đồng PBGDPL. Hầu hết các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng có từ 9 -11 thành viên. Toàn tỉnh, hiện có 53 người là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, Báo cáo viên pháp luật cấp huyện có 158 người và 348 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã thường xuyên tham gia phổ biến pháp luật ở cơ sở.
Hoạt động PBGDPL giai đoạn 2003-2007 đã được triển khai sôi nổi rộng khắp và toàn diện. Theo tinh thần Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật được kịp thời, thường xuyên, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Kết quả công tác PBGDPL đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Người dân không chỉ từng bước chủ động tìm hiểu pháp luật mà còn tự giác, đóng góp các ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình trong quá trình thực thi pháp luật, tham gia giám sát hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.
Cẩm Tú