Trong giai đoạn hiện nay công tác tư pháp cơ sở là một trong những mặt công tác cơ bản của chính quyền địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội, góp phần không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, việc triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước có thành công hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của chính quyền cơ sở.
Sự phân cấp mạnh về thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp cho chính quyền cơ sở là một chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT – BTP – BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý về công tác tư pháp ở địa phương thì đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã phải thực hiện đến 12 việc. Với khối lượng công việc như vậy nhưng số lượng cán bộ làm công tác Tư pháp – Hộ tịch trung bình ở mỗi xã, phường, thị trấn hiện nay chỉ có một đến hai biên chế thì không thể đáp ứng được yêu cầu công tác, hơn nữa trình độ và năng lực của cán bộ làm công tác tư pháp còn hạn chế, số công chức Tư pháp – Hộ tịch có trình độ đại học luật và trung cấp pháp lý còn rất ít, có nơi thuộc các xã thuộc vùng sâu, vùng xa công chức Tư pháp – Hộ tịch mới chỉ có trình độ văn hoá tiểu học và chưa nắm vững được chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, việc tham mưu và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác còn chậm có nơi không thể thực hiện do công chức Tư pháp – Hộ tịch không biết phải làm thế nào, dẫn đến hiệu quả công tác tư pháp cơ sở còn chưa cao. Nhiều địa phương đã có sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền đối với công tác tư pháp đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp cơ sở. Tuy nhiên, để công tác tư pháp cơ sở ngày càng hoạt động có hiệu quả cần phải kết hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu như tăng cường củng cố và kiện toàn tổ chức của Ban Tư pháp xã, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn cấp trên… Một kinh nghiệm cho thấy hoạt động chỉ đạo chuyên môn của Phòng Tư pháp huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu trong việc quản lý các mặt chuyên môn về công tác tư pháp với tư pháp cấp xã đã đem lại hiệu quả đáng kể. Ngoài việc thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch công tác, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cơ sở, hàng tháng Phòng tổ chức họp giao ban công tác với tư pháp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong buỗi giao ban, công chức Tư pháp – Hộ tịch các xã, thị trấn sẽ báo cáo kết quả công tác tư pháp ở địa phương mình trong tháng. Đồng thời, trong buổi giao ban Phòng trực tiếp triển khai và định hướng công tác tư pháp của tháng tới theo kế hoạch và sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, giải quyết những công việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn giữa Phòng và Tư pháp cơ sở, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của tháng trước. Bên cạnh đó việc tổ chức giao ban giữa Phòng Tư pháp huyện với công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã còn tạo điều kiện để các công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác. Qua buổi giao ban Phòng Tư pháp có thể nắm bắt được tình hình hoạt động tư pháp cơ sở, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tư pháp ở cơ sở để kịp thời có phương án chỉ đạo giải quyết hoặc tham mưu với Uỷ ban nhân dân huyện hoặc Sở Tư pháp để giải quyết. Nắm bắt được chính xác những thông tin về hoạt động tư pháp - hộ tịch như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn…hoạt động chứng thực, xây dựng hương ước, quy ước thôn bản, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật, tuyên truyền pháp luật…để báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Tư pháp.
Đây là một việc làm mang lại hiệu quả cao, chính vì vậy việc làm này cần phải được học tập và nhân rộng ra các huyện thuộc địa bàn tỉnh, tuỳ thuộc vào địa bàn của mỗi huyện, đối với những huyện có địa bàn rộng có thể tổ chức giao ban theo cụm và Phòng Tư pháp có thể cử các cán bộ xuống địa điểm được chọn để làm công tác giao ban. Công tác giao ban giữa Phòng Tư pháp huyện với công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã có thể thực hiện hàng tháng hoặc hai tháng một lần có như vậy hoạt động của tư pháp cơ sở mới thực sự đi vào nề nếp và phát huy được hiệu quả thiết thực. Xa hơn nữa cần xây dựng và ban hành văn bản cụ thể quy định về vấn đề này./.
Nguyễn Minh Hiệp