Qua 10 năm thực hiện Nghị định 47/CP của Chính phủ ở Bình Định

07/12/2007
Nghị định 47/CP của Chính phủ về công tác quản lý vũ khí,vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, các lực lượng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bình Định là vùng đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh để lại, một số lượng không nhỏ vũ khí, bom, mìn, vật liệu nổ của địch để sót lại, nhất là các khu quân sự cũ chưa thu gom hết. Nhiều quả đạn, bom, mìn rơi vãi trên mặt đất, hoặc vùi vào lòng đất nhưng chưa nổ, tìm ẩn những vụ tai nạn nổ đầu đạn rất thương tâm. Một số vũ khí quân dụng, vật liệu nổ do người dân trong quá trình lao động, khai thác tìm được cất giữ để săn bắn; kể cả số vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang du kích, tự vệ, cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp phục vụ trong chiến tranh, sau năm 1975 bị thất lạc hoặc vì lý do khác mà đến nay vẫn tàng trữ, cất giữ chưa giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, đã làm tăng thêm số lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nằm ngoài diện quản lý.

Trong 10 năm thực hiện Nghị định 47/CP, đã thu hồi 2.733 khẩu súng quân dụng, trong đó thu hồi của các cơ quan, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng là 215 khẩu súng, số còn lại là do rơi vãi trong chiến tranh, do nhân dân và cán bộ giao nộp. Lực lượng công binh, quân khí của Quân khu V, BCH Quân sự tỉnh đã phối hợp với lực lượng công an và quân sự địa phương thu gom, xử lý an toàn gần 200 tấn bom, mìn và hơn 197 tấn các loại vật liệu nổ khác. Trước đó đã tổ chức nhiều đợt tháo gỡ, thu gom được 836 nghìn bom, mìn các loại, trên 192 bãi bom mìn, với diện tích 65,8 ha. Riêng ở khu vực đèo Son (CK52 cũ), trong 3 năm, các cơ quan chức năng đã dò tìm, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ gần 138 tấn.

Tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Cơ quan An ninh Điều tra công an tỉnh đã khởi tố điều tra hàng chục vụ, hàng trăm bị can về nhóm tội này. Vật chứng thu giữ gồm khối lượng rất lớn súng quân dụng, mìn tự tạo, lựu đạn, đầu đạn pháo, đạn các loại, thuốc nổ và các loại vật liệu nổ khác. Điển hình như: ngày 18.4.2007, Công an tỉnh đã bắt quả tang 1 vụ tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ  ở địa bàn P. Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, thu giữ hơn 1.400 kg thuốc nổ và hơn 400 viên đạn. Nguồn vũ khí, chất nổ này chủ yếu thu nhặt từ rơi vãi trong chiến tranh, nhiều người phát hiện, cất giữ đã cố ý không đem giao nộp cho cơ quan chức năng.

Trong các đợt vận động nhân dân phát hiện, giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, tỉnh Bình Định đã thu gom một số lượng đáng kể. Năm 2001, huyện Vĩnh Thạnh được Ban chỉ đạo tỉnh chọn điểm hỗ trợ, thực hiện vận động quần chúng thu hồi 315 khẩu súng và nhiều vật liệu nổ các loại. Sau đó, nhân rộng ra các huyện Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn đã thu hồi được nhiều vũ khí, vật liệu nổ khác. Trong đó huyện Hoài Ân đã thu gom được 297 khẩu súng các loại. Tuy nhiên, lượng vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn lại, do những người không có chức năng quản lý, sử dụng còn khá nhiều.

Với số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ còn chưa thu gom được, trong 10 năm qua, Bình Định đã xảy ra 121 vụ tai nạn nổ do bom, mìn và vật liêu nổ; làm chết 97 người, bị thương 58 người. Cơ quan An ninh Điều tra công an tỉnh đã khởi tố điều tra hơn 63 vụ, gần 117 bị can về nhóm tội này. Vật chứng thu giữ gồm 21 khẩu súng quân dụng, 5 quả mìn tự tạo, hơn 40 quả lựu đạn, hơn 150 đầu đạn pháo, trên 2.330 viên đạn các loại gần 2,2 tấn thuốc nổ và các loại vật liệu nổ khác. Riêng trong hoạt động đánh bắt thủy sản, lực lượng tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và bắt giữ hơn 30 vụ, trên 50 đối tượng đã sử dụng trên 100 kg thuốc nổ, trên 150 mét dây cháy chậm, 120 kíp nổ, 1 súng AK và 5 viên đạn để hủy hoại tài nguyên biển.đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn nổ do bom, mìn và vật liêu nổ; làm chết và bị thương hàng trăm người. Điển hình là vụ cưa đục đầu đạn, gây nổ làm chết 3 người vào ngày 26.4.2004 ở núi Hòn Mọc, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát; vụ cưa đục đầu đạn tại đảo Đá, ở Đèo Son, thuộc KV. 9, P. Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, vào ngày 7.9.2004, làm chết 7 người, bị thương tật nặng 3 người. Gần đây nhất ngày 5.7.2007 là vụ Lê Văn Lành, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân cưa đầu đạn 155 ly gây nổ, làm anh Lành chết tại chỗ và 1 người khác bị thương. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn nổ là do kém hiểu biết về tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, vật liệu nổ, đã có hành vi cưa, đục lấy sắt phế liệu, lấy thuốc nổ để bán, hoặc đùa nghịch đập phá đầu đạn và vướng phải bom mìn trong khi lao động sản xuất.

Trong thời gian tới, các cơ quan, các ngành, các địa phương Bình Định tiếp tục duy trì công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ một cách chặt chẽ; phát động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng. Các cơ quan, doanh nghiệp có sử dụng chất nổ trong sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn nật liệu nổ. Nghiêm cấm mua bán, vận chuyển, tàng trữ vật liệu nổ trái phép, sử dụng chất nổ để đánh bắt thủy sản. Các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 47/CP phải được xử lý nghiêm khắc.

Nguyễn Huỳnh Huyện