Được sự quan tâm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 11 năm 1997 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh phúc- Sở Tư pháp đã ra đời. Sau gần 10 năm hoạt động với sự cố gắng, nỗ lực Trung tâm đã trợ giúp được hơn 16.000 vụ, việc, tổ chức hơn 300 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động.
Kết quả của hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời giải đáp những vướng mắc về chính sách pháp luật trong nhân dân, giảm thiểu khiếu kiện, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Xác định hoạt động trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp, đặc biệt là từ khi Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo Trung tâm có đủ lực lượng trợ giúp viên pháp lý đáp ứng yêu cầu của theo quy định của Luật TGPL, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế Trung tâm trình UBND tỉnh phê duyệt; lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 2 trợ giúp viên, thành lập 4 phòng chuyên môn, 2 chi nhánh TGPL của Trung tâm; triển khai thành lập mới 16 Câu lạc bộ TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II.
Nhằm đưa Luật trợ giúp pháp lý thực sự đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Cục TGPL- Bộ Tư pháp, Đài phát thanh- truyền hình Việt Nam, Báo Pháp Luật thực hiện 4 cuộc trao đổi, phỏng vấn về việc thực hiện Luật TGPL và hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó Trung tâm còn phối hợp với Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp thực hiện 6 buổi tuyên truyền giới thiệu Luật TGPL, giải đáp pháp luật chuyên đề về các chế độ chính sách pháp luật cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra Trung tâm đã in, phát hành 5.400 tờ gấp và 4000 tờ lịch truyền thông tuyên truyền về “Những điều cần biết về trợ giúp pháp lý” phát cho người tham dự các buổi TGPL lưu động; treo hơn 10 pa nô truyên truyền về TGPL đặt tại các cơ quan điều tra, kiểm sát và xét xử. Kết hợp 50 buổi/ 65 buổi TGPL lưu động để truyên truyền giới thiệu pháp luật về dân sự, đất đai, hoà giải ở cơ sở, chế độ chính sách ... cho 1.700 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở và đối tượng được trợ giúp pháp lý của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức được 3 lớp tập huấn nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý và Luật TGPL cho hơn 400 người là chuyên viên, cộng tác viên và thành viên 26 Câu lạc bộ TGPL.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về TGPL, hoạt động TGPL tỉnh Vĩnh Phúc sau gần 1 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã thụ lý và giải quyết được 3.545 vụ việc, so với cùng kỳ năm trước tăng 146 vụ việc bằng 4,4%, vượt chỉ tiêu đầu năm 2007 là 9,4%. Trong đó tư vấn miệng 3.370 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và các đối tượng tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn bằng văn bản 175 vụ việc, đã thực hiện đại diện bào chữa được 120 vụ việc tăng 27.7% so với cùng kỳ năm trước. Hòa giải trợ giúp pháp lý 90 vụ việc. Nhu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực: Chế độ chính sách, đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự... Người được trợ giúp pháp lý là hộ nghèo chiếm 42,2% , người thuộc diện chế độ chính sách là 36,8%, người đồng bào dân tộc chiếm 7, 6%, trẻ em chiếm 3,4% còn lại các đối tượng khác là 8%.
Luật TGPL ra đời là hành lang pháp lý quan trọng khẳng định hoạt động TGPL miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đăn của Đảng và Nhà nước. Qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc thực sự là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân. Giúp nhân dân chấp hành thực hiện tốt pháp luật, phát huy quyền làm chủ đúng quy định.
Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ những quy định của Luật TGPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có một số hạn chế. Việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng của trợ giúp viên pháp lý vẫn chưa thực hiện được do chưa có trợ giúp viên; bên cạnh đó chưa có Thông tư hướng dẫn về thủ tục tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý.
Trong thời gian tới để thực hiện Luật TGPL hiệu quả, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tăng cường mở tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó không ngừng kiện toàn tổ chức để phục vụ cho hoạt động TGPL đạt hiệu quả góp phần phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Kim Yến