Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang 9 tháng đầu năm 2007

21/11/2007
Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, pháp luật giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Muốn hệ thống pháp luật hoàn thiện và có hiệu lực thực tế, muốn tạo lập mối quan hệ hài hoà giữa Nhà nước và công dân, các quyền tự do, dân chủ được bảo đảm, bộ máy Nhà nước được tổ chức và vận hành một cách có hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là pháp luật phải được tôn trọng ở mọi nơi, cán bộ, công chức phải nắm vững pháp luật và ý thức pháp luật của nhân dân phải cao. Vì vậy, công tác PBGDPL cho cán bộ và nhân dân là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

PBGDPL là một khâu của hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật- Là hoạt động có tính định hướng, có tổ chức, có chủ động nhằm mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành bằng các hình thức, phương tiện, phương pháp đặc thù. PBGDPL là quá trình tác động thường xuyên, liên tục, lâu dài của chủ thể lên đối tượng; là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. PBGDPL còn là một mắt xích quan trọng của việc tăng cường pháp chế XHCN.

Trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, năm 2007 là năm thứ tư triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; là năm cuối cùng thực hiện Chương trình PBGGPL từ năm 2003-2007 của Chính phủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007, tiếp tục được ngành Tư pháp xác định là một trong các nhiệm vụ trong tâm, do đó ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới các đơn vị trong ngành, trong đó xác định rõ những nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là công tác tuyên truyền pháp luật phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Trước yêu cầu và nhiệm vụ đó, 9 tháng đầu năm 2007, công tác PBGDPL ngành Tư pháp tỉnh Bắc Giang đạt được kết quả đáng khích lệ.

Công tác PBGDPL được Sở Tư pháp và các đơn vị trong ngành xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2007. Do vậy, để đẩy mạnh công tác này trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch PBGDPL năm 2007 và tiếp tục ký kết và thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp PBGDPL với các ngành, đoàn thể với nhiều nội dung, hình thức đa dạng như: phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cán bộ hội; tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em theo chương trình 138, chương trình 130, tuyên truyền pháp luật về phòng chống AIDS, mại dâm, ma tuý. Công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi có Nghị quyết số 32 của Chính phủ, kế hoạch của UBND tỉnh, Sở đã tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, lồng ghép tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Nét nổi bật trong công tác PBGDPL trong năm 2007 là toàn ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác PBGDPL. Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Báo Bắc Giang, Đài PT-TH tỉnh duy trì thường xuyên các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Giải đáp pháp luật”, “Pháp luật và cuộc sống” trên Báo Bắc Giang và Đài PT-TH tỉnh. 9 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã thực hiện 18 chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên sóng phát thanh truyền hình, thực hiện 3 chuyên trang Tư pháp trên Báo Bắc Giang; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan cung cấp hàng ngàn tin, bài cho Báo Bắc Giang và Đài PT- TH tỉnh, trong đó, Sở Tư pháp trực tiếp viết, cung cấp hàng trăm tin, bài bảo đảm số Báo ra hàng ngày đều có tin, bài liên quan đến PBGDPL. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Đài truyền thanh, truyền hình, bảo đảm 100% các buổi phát tin, bài đều có nội dung PBGDPL. Hệ thống truyền thanh ở cơ sở xã, phường, thị trấn được duy trì và phát huy tác dụng tốt. Các buổi hoạt động đều có nội dung TTPBGDPL.

Trong đợt sinh hoạt chính trị lớn của đất nước, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, tầnh phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ cho cuộc bầu cử. Sở Tư pháp đã in ấn hàng trăm bộ đề cương giới thiệu pháp luật về bầu cử, in hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, mở chuyên mục trên báo Báo Bắc Giang, trên Đài phát thanh - truyền hình để giới thiệu pháp luật về bầu cử. Theo sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở để phục vụ cuộc bầu cử, mở hàng trăm hội nghị để tuyên truyền miệng, in hàng chục vạn tờ rơi, tờ gấp phát hành cho nhân dân địa phương, mở chuyên mục trên Đài truyền thanh- truyền hình ở cấp huyện và trên hệ thống truyền thanh ở thôn, bản nhằm tuyên truyền pháp luật và giải đáp những thắc mắc của cử tri.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch  công tác năm 2007 và tổ chức Hội thi “ Cán bộ Tư pháp hộ tịch giỏi năm 2007”. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật  tỉnh, Sở đã hoàn thành việc xây dựng mẫu báo cáo chung của Hội đồng và bảng tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả hoạt động của các thành viên Hội đồng và các cơ quan, ban ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật để làm cơ sở đánh giá, xếp loại cuối năm. Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp tỉnh triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các huyện, thành phố và tổng kết  Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn từ  2003- 2007 của Chính phủ.

Công tác tuyên truyền pháp luật thông qua việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở cũng được Sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2004 đến nay, trên cơ sở Chương trình phối hợp ký kết với Bưu điện tỉnh, Sở tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật tới các Điểm Bưu điện văn hoá xã, thị trấn, qua đó tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân dân đến khai thác, sử dụng. Đến nay 229/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách đều được trang bị khoảng trên 200 đầu sách, với giá trị khoảng trên 10 triệu đồng/tủ, hàng năm Sở Tư pháp đều tiến hành trang bị bổ sung sách pháp luật cho các tủ sách. Việc xây dựng ngăn sách, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, trường học cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh đều xây dựng được ngăn sách, tủ sách pháp luật. Hoạt động hoà giải ở cơ  sở đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, qua đó làm giảm thiểu tình trạng khiếu kiện ở cơ sở. Ngành Tư pháp đã thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở, từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp.

Cùng với những nhiệm vụ nêu trên, Sở Tư pháp và các đơn vị trong ngành còn tiến hành thực hiện các nhiệm vụ khác là: Trên cơ sở kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trong năm đã đề ra, Sở tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Công chứng, Luật Luật sư; tổ chức tuyên truyền Luật Tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và các văn bản mới ban hành có liên quan thiết thực tới đời sống nhân dân. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ  tỉnh, Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em tỉnh xây dựng kế hoạch liên ngành về triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới. Phát hành 06 số Bản tin Tư pháp với tổng số 3.600 cuốn, tiến hành biên soạn các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý.vv..

Hoạt động trợ giúp pháp lý có mối quan hệ mật thiết với PBGDPL: truyền tải pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý là một phương diện trọng yếu mà công tác PBGDPL hướng tới. Tổ chức trợ giúp pháp lý ngoài chức năng hướng dẫn, tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này và các đối tượng có liên quan. Chính hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ có tác dụng trợ giúp cho từng trường hợp cụ thể mà còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật và nâng cao trình độ dân trí để người dân tự mình biết cách xử sự phối hợp với các quy định của pháp luật, có kiến thức pháp luật để ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại lợi ích của cá nhân, tập thể, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách 9 tháng đầu năm được thực hiện có kết quả, thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 15/01/2007 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; tiến hành rà soát đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án kiện toàn tổ chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý  và thành lập chi nhánh Trợ giúp pháp lý ở cấp huyện. Cùng với các nhiệm vụ trên, Sở đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho chuyên viên, cộng tác viên và Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ “ Trợ giúp pháp lý” ở cơ sở. Phối hợp với Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh giới thiệu các văn bản về công tác trợ giúp pháp lý trên sóng truyền hình và thực hiện chuyên đề “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ” trong chuyên mục “ Pháp luật với cuộc sống”. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tổ chức 28 đợt trợ giúp pháp lý lưu động và tuyên truyền pháp luật tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xã trong tỉnh; thụ lý, giải quyết 883 vụ việc trợ giúp pháp lý tại trụ sở.

Công tác PBGDPL thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PBGDPL ngày càng chú trọng vào chiều sâu, quan tâm đến tận cơ sở, lựa chọn những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, do đó, kết quả công tác PBGDPL trong toàn ngành năm 2007 đạt khá, nhất là cấp huyện có nhiều chuyển biến hơn. Nhiều đơn vị trong quá trình thực hiện đã có cách làm hay như việc tuyên truyền pháp luật đến tận cơ sở thôn, xóm gắn công tác PBGDPL với công tác trợ giúp pháp lý mang tính kế hoạch bài bản của huyện Tân Yên, luân chuyển sách pháp luật của huyện Yên Thế, phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở của thành phố Bắc Giang,… Hầu hết các đơn vị đã xây dựng được chương trình kế hoạch PBGDPL hàng năm và được Chủ tịch UBND cùng cấp phê duyệt. PBGDPL có vai trò to lớn trong việc xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử xã hội bằng pháp luật trong nhân dân; góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội; tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi phạm pháp, phạm tội- nhờ đó mà tình hình vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2007 có giảm rõ rệt góp phần thiết thực vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

Hoàng Giang