Sở Tư pháp và Sở Giáo dục Đào tao Ninh thuận phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học về phòng chống tội phạm; ma túy và HIV/AIDS

26/10/2007
Thực hiện kế hoạch số 166/KHLN-STP- SGDĐT ngày 21/5/2007 của Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Tư pháp về Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội trong học đường.

Ngày 17/10/2007, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận với hơn 200 học sinh được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm cử một đội dự thi gồm 10 em tham gia cuộc thi. Hình thức “hái hoa dân chủ” với những câu hỏi và đáp án thiết thực, trực tiếp có tác dụng nâng cao nhận thức, hiểu biết và định hướng hành vi ưng xử đã được các em học sinh tranh đua sôi nổi, hào hứng. Theo thể lệ cuộc thi, mỗi nhóm cử 01 thí sinh bốc thăm chọn câu hỏi (hái hoa) và trả lời. Trường hợp trả lời chưa đầy đủ thì các thí sinh tham dự cuộc thi (bao gồm cả đội dự thi và những học sinh của 04 nhóm) được quyền trả lời để dành điểm cho đội, nhóm và cá nhân mình. Cách thức tổ chức cuộc thi như vậy đã cuốn hút sự hăng say, nhiệt tình và tích cực tìm hiểu, học tập và trả lời các câu hỏi giúp cho không khí của buổi phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên sinh động và lôi cuốn được nhiều người tham gia. Sau mỗi lần thí sinh trả lời câu hỏi, các vị trong Ban Giám khảo đã nêu ý kiến nhận xét trực tiếp về nội dung câu hỏi; ý nghĩa pháp lý, ý nghĩa thực tế và yêu cầu hành vi ứng xử theo từng câu hỏi để giúp cho học sinh hiểu rõ hơn bản chất pháp lý và tính xã hội của từng nội dung điều luật cụ thể. Việc nhận xét trực tiếp và phân tích ý nghĩa theo từng câu hỏi đã giúp cho các em học sinh hiểu rõ vì sao khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng các quy tắc chung, phải tuân theo tín hiệu của đèn giao thông, phải có những trách nhiệm và nghĩa vụ gì tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn giao thông, vì sao khi tham gia giao thông bằng các phương tiện mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm.

Sự phân tích bản chất pháp lý và tính xã hội của từng câu hỏi đã giúp các em nhận thức rõ hơn, nâng cao ý thức và định hướng hành vi ứng xử đối với những con người đã lỡ chân sa vào con đường nghiện ngập ma túy hoặc mang căn bệnh HIV/AIDS; không phân biệt đối xử với họ nhưng phải kiên quyết bài trừ ma túy; kiên quyết tránh xa và lên án mạnh mẽ đối với những cám dỗ của cuộc sống sa ngã, băng hoại về tình dục.

Kết quả: Em Tô Văn Toán (giải nhất cá nhân), Phùng Bảo Khoa (giải nhì cá nhân), Nguyễn Thị Kim Loan (giải khuyến khích cá nhân). Qua cuộc thi nhiều em trong 04 đội dự thi cũng như những em học sinh tham dự cuộc thi “hái hoa dân chủ” đều cùng chung một cảm nhận là hình thức “hái hoa dân chủ” đã được cải tiến với những cách thức mới đã có tác dụng tích cực giúp cho các em tiếp thu những quy định của pháp luật sâu sắc hơn. Cuộc thi đã đạt được yêu cầu “vui để học, học mà vui”, đồng thời cũng đã tránh được cách phổ biến, giáo dục pháp luật thiếu sinh động, giúp các em hào hứng, thi đua, sôi nổi học tập và tranh luận những điều cần biết về nghĩa vụ công dân đối với pháp luật nhà nước.

Kết quả cuộc thi “hái hoa dân chủ” giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm, ma túy và HIV/AIDS tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên là sự khởi đầu của việc thực hiện kế hoạch liên ngành số 166/KHLN-STP-SGDĐT. Cuộc thi sẽ được tiếp tục tổ chức ở các trường Trung học phổ thông tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; chúng tôi cũng hy vọng là qua cuộc thi này, các ngành Công an, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo sẽ đúc kết được những mô hình mới, những phương pháp mới đạt hiệu quả thiết thực hơn trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đối với trường học. . .

Ngọc Hùng