Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến dự án Luật Tương trợ tư pháp

17/10/2007
Ngày 16 tháng 10 năm 2007, được sự ủy quyền của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Sở Tư pháp thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tương trợ tư pháp tại hội trường Sở Tư pháp.

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22 tháng 10 năm 2007, trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã ủy quyền cho Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tương trợ tư pháp với thành phần tham dự là các vị đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia và một số luật gia công tác tại Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan.

          Hội nghị đã tập trung tham gia ý kiến đối với các vấn đề chung của dự thảo Luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Báo cáo giải trình và gợi ý lấy ý kiến. Cụ thể như về phạm vi điều chỉnh, Cơ quan đầu mối ở Trung ương trong tương trợ tư pháp, Cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp, chi phí thực hiện uỷ thác tư  pháp, yêu cầu dẫn độ … cũng như các nội dung cụ thể về bố cục, ngôn ngữ diễn đạt …Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích và tranh luận sôi nổi về các nội dung lấy ý kiến cũng như các vấn đề đã được gợi ý thảo luận như:

Về cơ quan đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp, bên cạnh các ý kiến thống nhất như dự thảo về 04 cơ quan đầu mối; có một số ý kiến tranh luận về đề nghị quy định 2 cơ quan đầu mối ở Trung ương: trong lĩnh vực dân sự là Bộ Tư pháp và trong lĩnh vực hình sự  là VKSNDTC. Có ý kiến cho rằng việc quy định các cơ quan đầu mối ở Trung ương về tương trợ tư pháp cần tính đầu mối tương quan với các dự thảo luật khác và chủ trương cải cách tư pháp của Đảng để quy định cho phù hợp, không chồng chéo. Hiện nay vấn đề Bộ Tư Pháp hay Bộ Công an quản lý công tác thi hành án phạt tù đang được cân nhắc trong dự thảo Bộ luật thi hành án. Hoặc theo Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010 thì Viện kiểm sát nhân dân chuyển dần sang là Viện Công tố, nếu dự thảo chỉ quy định VKSNDTC là cơ quan đầu mối trong việc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự có phù hợp không cũng cần phải cân nhắc kỹ. Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại: có ý kiến đề nghị nên giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành ở trung ương quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (khoản 2 Điều 414, khoản 1 Điều 350, Điều 347) cho thấy Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối của trung ương trong việc thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Như vậy, việc giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành ở trung ương quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại là phù hợp nhiệm vụ của Bộ Tư pháp đã nêu trong Bộ luật TTDS và phù hợp thông lệ quốc tế tư pháp. Nếu không thì đề nghị quy định Bộ Ngoại giao là cơ quan tập hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ xem xét quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp quốc tế với các nước hữu quan. Như vậy sẽ khách quan hơn đồng thời  sẽ nâng giá trị pháp lý của việc áp dụng nguyên tắc này vì được quyết định áp dụng bởi Nhà nước Việt Nam mà đại diện là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên giao cho Bộ Ngoại giao vì nội dung chủ yếu của áp dụng nguyên tắc có đi có lại là thuộc lĩnh vực ngoại giao do đó việc Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành ở trung ương quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ …

Cũng trong đợt lấy ý kiến các dự án Luật chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII vào ngày 22 tháng 10 năm 2007 sắp đến, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tích cực tham gia nhiều dự án Luật có liên quan như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đặc xá, Luật Hóa chất…thiết thực giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chuẩn bị có chất lượng cho nội dung hoạt động tại kỳ họp Quốc hội./.

Tạ Tự Bình