Năm 2000 trở về trước Quảng Bình tự hào là địa bàn trắng về ma túy. Nhưng những năm trở lại đây số người nghiện ma túy gia tăng và đang trở thành mối quan tâm, lo lắng của mọi người trong xã hội. Trước thực trạng tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp và đã len lỏi vào môi trường học đường. Những năm qua, thành phố đã chú trọng đến công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thi, nói chuyện chuyên đề về ma túy. Các hội thi tìm hiểu về ma túy được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; đặc biệt là hội thi:" Tuổi trẻ học đường nói không với ma túy" do phòng Tư pháp phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và Công an thành phố tham mưu cho UBND thành phố Đồng Hới tổ chức năm 2005 đã được tất cả các trường trung học phổ thông trên địa bàn tham gia.
Tuy nhiên, do kinh phí được cấp cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp nên không có điều kiện để tổ chức thường xuyên, thành phong trào thi đua giữa các trường, các địa phương.
Các hội nghị PBPL mới chỉ dừng lại ở đội ngũ cốt cán. Việc in ấn tờ rơi có nội dung tuyên truyền về tệ nạn ma túy còn quá khiêm tốn so với số người cần lĩnh hội thông tin ở các trường, các tầng lớp nhân dân. Vì thế hiểu biết về ma túy trong quần chúng nhân dân và tầng lớp thanh, thiếu niên vẫn ở mức độ thấp.
Ma túy đồng hành cùng căn bệnh thế kỷ AIDS, từ chốn đô thị phồn hoa cho đến làng quê yên bình đều có "bóng ma" vật vờ của con nghiện; không chỉ trong góc khuất tối tăm của phố phường, nghĩa địa, nơi vắng người lại qua, mà có lúc có nơi tụ điểm ma túy và hành vi tiêm chích ma túy công khai như một sự thách thức chính quyền và cộng đồng xã hội.
Ma túy đang trở thành quốc nạn, nhưng một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, còn thờ ơ chưa thấy hết trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh với tệ nạn này là việc phải tiến hành thường xuyên. Phải "rà từng ngõ, gõ từng nhà" để phát hiện, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng tuy có kết quả bước đầu nhưng việc xây dựng mô hình, phối hợp hoạt động giữa cơ quan y tế, công an chính quyền địa phương còn lúng túng, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể...
Ngày 25 tháng 9 năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt chương trình, mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy với mục tiêu tổng quát là " Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống ma túy và tác hại của ma túy để tự phòng, chống làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội; Đấu tranh làm giảm tội phạm ma túy và nguồn cung cấp chất ma túy; Kiềm chế và giảm người nghiện ma túy; Từng bước đẩy lùi và xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội,bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân."
Để tuyên truyền phòng chống ma túy, nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên trong việc tự phòng, chống ma túy. Thực hiện Kế hoạch số 553/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ma túy mại dâm tỉnh Quảng Bình về tổ chức hội thi truyền thông phòng chống ma túy năm 2007 .
Ngày 02 tháng10 năm 2007 vừa qua, thành phố Đồng Hới tổ chức Hội thi truyền thông về phòng chống ma túy năm 2007. Đối tượng tham gia dự thi là học sinh trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn. Có 16/17 trường THCS tham dự hội thi. Các đội thi phải trải 3 phần thi bắt buộc và màn chào hỏi.
Màn chào hỏi các đội thi tự giới thiệu về đội tuyển ( không tính điểm).
Phần thi kiến thức: Các đội thi trả lời hiểu biết pháp luật liên quan đến ma túy và phòng chống ma túy. Mỗi đội dự thi phải trả lời câu hỏi bắt buộc và câu hỏi tự chọn. Phần thi tiểu phẩm: Gồm các thể loại thơ ca, hò vè, kịch ngắn, kịch câm...với đề tài phòng chống ma túy. Phần thi hùng biện: Phải có chủ đề về phòng chống ma túy, tranh vẽ và thông điệp tuyên truyền.
Phần thi hùng biện có nhiều nội dung phong phú về chủ đề phòng chống ma túy. Ở phần thi hùng biện và tiểu phẩm các đội thi đã mang đến hội thi các đạo cụ và những hình ảnh minh họa sinh động bằng đèn chiếu, tranh vẽ phong phú về chủ đề phòng chống ma túy. Các đội thi đã mang đến hội thi nhiều tiểu phẩm hay như Tiểu phẩm "Cám dỗ" của Trường THCS Đức Ninh, tiểu phẩm:"Ma túy là gì mà sợ" của Trường THCS Bảo Ninh, tiểu phẩm:" "Nỗi đau ma túy" Trường THCS Phú Hải, tiểu phẩm:" Cứ tưởng con ngoan" của Trường THCS Đồng Sơn ... Các học sinh đã vào vai và diễn rất thành công, mang đến cho khán giả, các cổ động viên cảm xúc qua từng vai diễn viên trên sân khấu.
Kết thúc Hội thi Ban tổ chức trao giải và giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các đội thi đạt giải nhất, nhì ba. (Giải nhất 400.000 đ, giải nhì 300.000 đ, giải ba 200.000đ và giải khuyến khích 100.000đ). Giải nhất thuộc về Trường THCS Đức Ninh; 02 giải nhì thuộc về trường THCS số 1 Đồng Sơn và Trường THCS số 1 Nam Lý. 03 giải ba thuộc về Trường THCS Hải Thành,Trường THCS số 2 Đồng Sơn, Trường THCS Hải Đình. 03 giải khuyến khích: Trường THCS Bảo Ninh, Trường THCS số 2 Nam Lý, Trường THCS Phú Hải.
Ban tổ chức tặng giải hùng biện hay nhất 50.000đ cho học sinh Trường THCS số 1 Đồng Sơn và chọn đội tuyển tham dự hội thi cẩp tỉnh dự kiến vào ngày 13 tháng 10 năm 2007 sắp tới./.
Hoàng Hồng