Trong các ngày từ 18-24 tháng 6 năm 2012, Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp do đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Chủ đề Đoàn công tác tập trung trao đổi lần này là chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý các hoạt động hợp tác với nước ngoài, đánh giá việc thực hiện kế hoạch hợp tác năm 2012 giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Liên bang Đức trên cơ sở rà soát, trao đổi thông tin về chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ. Ngoài ra, hai bên trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng của Đức, vai trò của cơ quan tư pháp trong phòng chống tham nhũng; trao đổi kinh nghiệm thực hiện pháp luật về quốc tịch, nhập cư nhập cảnh và vấn đề quốc tịch Đức của người Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Đức.
Đón và làm việc với Đoàn có ông Mathias Hellmann, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế về pháp luật và đối thoại nhà nước pháp quyền thuộc Tổng vụ Hành chính tư pháp (Tổng Vụ Z) Bộ Tư pháp Đức; Tiến sĩ Ruediger Reiff, Công tố viên trưởng kiêm Trưởng Văn phòng Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Viện Công tố bang Berlin, đại diện Cơ quan ngoại kiều bang Berlin, cơ quan xuất nhập cư, quản lý quốc tịch và một số luật sư Công ty Luật Andrea Wuedinger.
Trong buổi đầu làm việc, ông Mathias Hellmann đã giới thiệu cho Đoàn những nét chính về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Liên bang Đức. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp Liên bang Đức gồm 6 Tổng vụ, mỗi Tổng vụ có 2 Vụ chức năng và trong mỗi Vụ có nhiều phòng khác nhau là các đơn vị thấp nhất của Bộ trực tiếp tác nghiệp công tác chuyên môn nghiệp vụ do Vụ hướng dẫn và hoạch định công tác. Lãnh đạo Bộ Tư pháp Liên bang gồm ba người, đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang, là thành viên của Chính phủ Liên bang có quyền tham dự vào các quyết định chính trị của Chính phủ Liên bang, chịu trách nhiệm chính trị của Bộ Tư pháp. Hỗ trợ cho Bộ trưởng có hai Thứ trưởng: một Thứ trưởng đặc trách các vấn đề về Quốc hội, liên hệ với Quốc hội Liên bang, với Hội đồng Thủ hiến các Bang và với các Đảng chính trị (Quốc Vụ khanh) và một Thứ trưởng Điều hành là người thay mặt cho Bộ trưởng điều hành công việc nội bộ và đối ngoại của Bộ. Hiện nay, Bộ Tư pháp Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 93 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, do vậy, các thông tin về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Liên bang Đức có rất nhiều điểm hay và đáng tham khảo.
Tương tự như Bộ Tư pháp Việt Nam, chức năng chính thứ nhất của Bộ Tư pháp Liên bang Đức là tư vấn và soạn thảo luật. Bộ Tư pháp Liên bang Đức soạn thảo các dự thảo luật và các quy định pháp luật trong các lĩnh vực chủ yếu như pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, pháp luật kinh tế và thương mại, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Một điểm tương đồng thú vị là Bộ Tư pháp Liên bang Đức chủ trì thẩm định các dự luật và văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ này chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Bộ Tư pháp Liên bang cũng tham gia vào việc soạn thảo các văn bản do các Bộ khác chủ trì. Công tác thẩm định được thực hiện nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất cả về nội dung, hình thức và ngôn ngữ của các văn bản pháp luật. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Liên bang Đức có chức năng quản lý các tòa án, các Viện công tố phù hợp với nguyên tắc phân quyền được quy định tại Điều 30 của Hiến pháp Liên bang.
Chức năng chính thứ hai của Bộ Tư pháp liên bang là quản lý hành chính tư pháp chung. Chức năng này do Tổng vụ Z là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, nhiệm vụ của Tổng vụ Z là tạo điều kiện về tổ chức, ngân sách, nhân sự và cơ sở hạ tầng cho công việc của Bộ và các Tòa án liên bang cũng như các cơ quan liên bang nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ; giám sát các Tòa án liên bang về mặt tổ chức cũng như giám sát các cơ quan liên bang thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp liên bang về mặt tổ chức và chuyên môn. Ngoài ra, Tổng Vụ Z còn chịu trách nhiệm triển khai áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc liên hệ với các Tòa án Liên bang và các cơ quan của Liên bang, thực hiện công tác truyền thông và thông tin trong nội bộ các tòa án và thực hiện quản lý hồ sơ theo phương pháp số hóa, hài hòa hóa các tiêu chuẩn công nghệ thông tin của ngành Tư pháp giữa Cộng hòa Liên bang Đức và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nhằm đáp ứng các yêu cầu tiếp cận thông tin pháp luật ngày càng cao của người dân.
Chức năng chính thứ ba của Bộ Tư pháp Liên bang là điều hành 3 trong tổng số 5 Tòa án tối cao liên bang (Tòa án tư pháp liên bang có trụ sở ở Karlsruhe; Tòa án hành chính liên bang có trụ sở ở Leipzig và Tòa án tài chính liên bang có trụ sở ở München). Ngoài ra, Bộ Tư pháp Liên bang còn điều hành hoạt động của Tổng Công tố Liên bang bên cạnh Tòa án Tư pháp Liên bang, Tòa án sáng chế Liên bang, Cục Sáng chế và nhãn hiệu Đức và Văn phòng đại diện Bộ Tư pháp Liên bang có trụ sở tại Bonn. Đơn vị thực hiện các chức năng này là Tổng Vụ về tư pháp và pháp luật (Tổng vụ R). Tổng Vụ R còn chịu trách nhiệm về xây dựng các Luật của Liên bang về tổ chức tòa án, tổ chức các viện công tố ở cả cấp liên bang và cấp bang, xây dựng các quy trình tố tụng của tòa án, phương thức điều tra hình sự, xây dựng pháp luật về thi hành án, phá sản, phí và lệ phí tòa án. Ngoài ra, Tổng Vụ R còn chịu trách nhiệm xây dựng các quy định pháp luật và thực hiện hoạt động đào tạo bồi dưỡng cho các nghề tư pháp (đặc biệt là các nghề thẩm phán, công tố viên, lục sự, luật sư cũng như công chứng viên). Việc tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng này do Học viện thẩm phán Đức thực hiện. Hiện nay, thông qua Quỹ IRZ của Bộ Tư pháp Liên bang Đức, nhiều kinh nghiệm của Học viện thẩm phán Đức đã được chia sẻ với Học viện tư pháp Việt Nam.
Đối với việc bổ nhiệm thẩm phán, Bộ Tư pháp Liên bang có trách nhiệm cho ý kiến trước khi bầu chọn thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang (một nửa số thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang do Quốc hội Liên bang bầu, một nửa còn lại do Hội đồng Thủ hiến các Bang bầu) và trực tiếp tổ chức bầu thẩm phán cho ba Tòa án Tối cao Liên bang thuộc phạm vi trách nhiệm điều hành của Bộ Tư pháp Liên bang như nêu trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Liên bang trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tuyển chọn thẩm phán gồm 32 thành viên (16 Bộ trưởng Tư pháp của 16 Bang và 16 thành viên khác do Quốc hội Liên bang chọn).
Chức năng thực hiện việc xây dựng và thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp Liên bang với các Bộ Tư pháp hoặc các cơ quan tư pháp các nước do Tổng vụ Z đảm nhận. Trong khuôn khổ này, Tổng Vụ Z tổ chức và xây dựng nhiều dự án, trong đó có hai dự án nổi bật nhất là "Đối thoại về Nhà nước pháp luật Đức - Trung Quốc và dự án: Đối thoại về nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Đức và Bộ Tư pháp Việt Nam". Tổng Vụ Z thay mặt cho Bộ Tư pháp Liên bang thực hiện các chức năng của Bộ theo Điều lệ của Quỹ hợp tác pháp luật quốc tế và Học viện pháp luật Đông Munchen....
Sau khi cùng nhau trao đổi các thông tin cơ sở về cơ cấu chức năng nhiệm vụ của hai Bộ Tư pháp, kể cả thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, hai bên đã cùng nhau điểm lại những hoạt động mà hai Bộ Tư pháp đã cam kết thực hiện trong năm 2012. Thay mặt đoàn Việt Nam, đồng chí Đặng Hoàng Oanh đã đánh giá rất cao sự hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả của Bộ Tư pháp Liên bang Đức, đặc biệt là sự chủ động tham gia Chương trình của Phòng hợp tác quốc tế và đối thoại nhà nước pháp quyền. Với vai trò là cơ quan đầu mối về phía Đức trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối thoại về Nhà nước pháp quyền, Tổng Vụ Z (cụ thể là Phòng hợp tác quốc tế và đối thoại nhà nước pháp quyền) đã chủ động hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam nhằm vận động và thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức khác nhau của Đức vào Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền. Cho tới nay, Chương trình Đối thoại về nhà nước pháp quyền giai đoạn thứ nhất (2009-2011) được thực hiện thành công với xấp xỉ 150 hoạt động hợp tác lớn nhỏ giữa Bộ Tư pháp Liên bang Đức, các quỹ chính trị và tổ chức khác của Đức với Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan Việt Nam. Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn thứ hai (2012-2014) mới được ký đầu tháng 4 năm 2012 nhân dịp Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Đức bà Birgit Grundmann sang thăm Việt Nam. Tuy Chương trình giai đoạn lần thứ hai mới được thực hiện khoảng 3 tháng nay nhưng đã thu nhận được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những nội dung Bộ Tư pháp và các đối tác Đức thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu của các cơ quan Việt Nam và đó là những lĩnh vực mà Bộ Tư pháp Liên bang, Bộ Tư pháp một số bang của Đức hoặc các quỹ chính trị của Đức có nhiều kinh nghiệm thực hiện, phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Liên bang và các Bang.
Trong những tháng tới đây, Bộ Tư pháp Liên bang Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam thực hiện các hoạt động hợp tác về pháp luật vốn là thế mạnh của phía Đức đồng thời cũng là những ưu tiên của Việt Nam trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật, đó là các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp, cơ chế bảo hiến, xây dựng Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch,...
Nguyễn Minh Phương, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp