Bộ Tư pháp tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tại tỉnh Gia Lai

22/05/2012
Bộ Tư pháp tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tại tỉnh Gia Lai
Ngày 22/5/2012, Đoàn khảo sát liên ngành gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã làm việc tại tỉnh Gia Lai để nắm bắt về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND.

Mục đích của việc khảo sát là nhằm kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị của địa phương để tiếp tục nghiên cứu xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét Đề án tăng cường năng lực cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế cũng như nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới. Đồng thời, việc khảo sát cũng nhằm đánh giá tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND để tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó kiến nghị giải pháp khắc phục, đặc biệt là giải pháp hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL.

Tham dự buổi làm việc có đại diện UBND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo, cán bộ Sở Tư pháp; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và cán bộ pháp chế của các tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ quan và 04 đơn vị kinh tế có tổ chức pháp chế hoặc cử cán bộ làm công tác pháp chế với tổng số người được giao thực hiện công tác pháp chế trong các cơ quan, đơn vị là 62 người. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như biên chế cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định cụ thể, việc thành lập tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thống nhất, cán bộ pháp chế hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế….

Tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế như chất lượng của văn bản được ban hành chưa cao, việc gửi dự thảo văn bản để thẩm định chưa tuân thủ quy định của Luật về thời hạn, hồ sơ… Những hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân chủ quan thì có nguyên nhân khách quan là quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND còn bất cập. Các đại biểu đã đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL như cần làm rõ khái niệm văn bản QPPL, thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, nội dung và trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND… Đây sẽ là những nguồn thông tin để Bộ Tư pháp nghiên cứu trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất).

Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát đã trực tiếp làm việc với UBND huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai.