Tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Sri Lanka

18/05/2012
Tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Sri Lanka
Sáng ngày 17/5/2012, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã tới chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka - Ngài Chandima Weerakkody. Cùng tham dự có đồng chí Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Sri lanka.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, về một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay và kết quả cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka về khả năng phát triển mối quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu mà nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong việc phát triển kinh tế và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Ngài Chandima Weerakkody cho rằng với truyền thống quan hệ tốt đẹp, hơn nữa hai nước Việt Nam - Sri Lanka lại có nhiều điểm tương đồng cả về lịch sử, văn hóa, cùng trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh kéo dài, do đó việc trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau để phát triển là rất cần thiết. Ngài Chandima Weerakkody ghi nhận, đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và tin tưởng rằng chuyến công tác này sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới về tư pháp và pháp luật giữa hai nước, góp phần củng cố và phát triển đi vào chiều sâu quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Sau buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka và Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã cùng trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Quốc gia Sri Lanka.

Trước đó, Đoàn cũng đã tới thăm và làm việc tại cơ quan Tổng Chưởng lý Sri Lanka, nghe bà Tổng Chưởng lý Shanthi Eva Wanasundera cùng các cộng sự giới thiệu về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của cơ quan Tổng Chưởng lý, mối quan hệ của cơ quan này với Bộ Tư pháp, Ủy ban chống tham nhũng và Cơ quan điều tra của Sri Lanka. Cơ quan Tổng Chưởng lý của Sri Lanka là cơ quan độc lập, có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong việc thực hiện chức năng công tố, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý cho các khoản vay và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ việc dân sự, thương mại mà Chính phủ có liên quan nhất là trong các vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo hiệp định bảo hộ đầu tư. Trong việc cung cấp ý kiến pháp lý cho khoản vay nước ngoài, cơ quan Tổng Chưởng lý Sri Lanka thực hiện việc đánh giá rủi ro không chỉ về mặt pháp lý mà cả về mặt tài chính và kinh tế, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công của nước này.

Chiều ngày 17/5/2012, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Tòa án tối cao và Liên đoàn luật sư của Sri Lanka.

Tại buổi làm việc với Chánh án Tòa án tối cao, bà Shirani Bandaranayke, Đoàn đã được nghe giới thiệu khái quát về hệ thống Tòa án của Sri Lanka và cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán của nước này. Theo đó, hệ thống Tòa án của Sri Lanka được hình thành dựa trên cơ sở hệ thống tư pháp của Anh, có một số thay đổi cho phù hợp với đặc thù trong nước. Theo Hiến pháp của Sri Lanka, hệ thống Tòa án gồm có Tòa án tối cao, Tòa án phúc thẩm và Tòa án cấp cao và một số Tòa sơ thẩm. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm bảo đảm. Hiện nay, Sri Lanka có hơn 400 thẩm phán trong đó 11 thẩm phán Tòa án Tối cao, 12 thẩm phán Tòa phúc thẩm và 66 thẩm phán Tòa án cấp cao. Các thẩm phán của Tòa án tối cao, phúc thẩm và tòa án cấp cao do Tổng thống bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án sơ thẩm do Ủy ban Công vụ Tư pháp (Judicial Services Commission) thực hiện. Đứng đầu Ủy ban là Chánh án Tòa án tối cao nhưng cơ quan này hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào Tòa án. Ngoài thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án sơ thẩm, Ủy ban Công vụ Tư pháp còn được giao thẩm quyền xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật, luân chuyển và bãi miễn đối với các thẩm phán này. Ở Sri Lanka, thẩm phán được bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ mà làm việc cho đến khi nghỉ hưu.

Thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Sri Lanka, Bộ trưởng đánh giá cao kết quả đã đạt được của Liên đoàn trong việc phát triển đội ngũ luật sư có chất lượng cho Sri Lanka đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của quốc gia này. Với số lượng thành viên lên tới hơn 11.000 luật sư, Liên đoàn Luật sư Sri Lanka là một trong những thành viên tích cực của Liên đoàn luật sư quốc tế (IBA) và Liên đoàn luật sư châu Á (LawAsia). Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng đã được Chủ tịch Liên đoàn luật sư Sri Lanka giới thiệu về hệ thống tổ chức của Liên đoàn, các đoàn luật sư địa phương và công tác đào tạo luật sư của quốc đảo này. Nhân dịp này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Sri Lanka bày tỏ mong muốn tham gia tích cực vào quá trình hợp tác tư pháp và pháp luật giữa hai nước, đồng thời đề nghị Bộ trưởng hỗ trợ thúc đẩy việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Sri lanka và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ trưởng đã vui vẻ nhận lời và giao Vụ Hợp tác quốc tế làm cầu nối để hai Liên đoàn tiến tới hợp tác có hiệu quả trong thời gian tới.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Sri Lanka, ngày 18/5/2012, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka. Mặc dù mới được tái thành lập từ tháng 4/2011 và còn gặp không ít khó khăn nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực trong việc làm cầu nối giữa Việt Nam và Sri Lanka trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo... Đặc biệt, Đại sứ quán đã cùng với các cơ quan trong nước tổ chức tốt chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2011. Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka tiếp tục hỗ trợ Bộ Tư pháp trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, hai Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực này để sớm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.