Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập để đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2005

12/03/2012
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập để đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2005
Ngày 07/3/2012, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức Hội thảo quốc tế về nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 với chủ đề “Chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 và kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện”. Hội thảo được tổ chức rộng rãi với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện của các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã khẳng định, đây là sự kiện quan trọng và cần thiết trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện Bộ luật Dân sự năm 2005, đặc biệt đối với phần về giao dịch bảo đảm. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận và đánh giá về một số hạn chế trong các quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam về giao dịch bảo đảm, đồng thời nêu ra những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật khi giải quyết các tranh chấp về giao dịch bảo đảm. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập của chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2005 để có thể đề xuất những nội dung, giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện chế định về giao dịch bảo đảm, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại.

Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã chỉ rõ những bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự hiện nay như: pháp luật Dân sự của Việt Nam với các quy định về biện pháp bảo đảm mới chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản về quyền, nghĩa vụ của các bên được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, còn những vấn đề có tính xuyên suốt, quan trọng về vật quyền bảo đảm vẫn chưa được quy định để làm nền tảng cho sự vận hành của chế định vật quyền bảo đảm như Bộ luật Dân sự của một số quốc gia thuộc hệ thống luật Civil law. Bên cạnh đó, khi áp dụng nguyên tắc về trái quyền bảo đảm (ví dụ biện pháp bảo lãnh), Bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề về hậu quả pháp lý trong trường hợp bên bảo lãnh không có tài sản tại thời điểm bên nhận bảo lãnh xử lý tài sản của bên bảo lãnh, mối quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh...

Đánh giá về chế định giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự, các chuyên gia cũng đã chỉ rõ những “khiếm khuyết” của các quy định về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận cầm cố hoặc bên nhận thế chấp tài sản với bên nhận bảo lãnh và quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác; pháp luật dân sự Việt Nam vẫn chưa quy định rõ ràng, chính xác và đảm bảo sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) khi giải quyết những lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm, do đó, tính an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội vẫn chưa thực sự được bảo đảm.

Hội thảo cũng đã trao đổi, học hỏi một số kinh nghiệm quốc tế về pháp luật dân sự, đặc biệt từ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ CHLB Đức - một trong những nước có nền khoa học pháp lý phát triển. Tiếp theo kết quả đạt được, ngày 08/3/2012, Bộ Tư pháp và IRZ đã tổ chức chương trình làm việc nhóm chuyên gia nhằm tiếp tục trao đổi, thảo luận chuyên sâu về từng vấn đề của chế định giao dịch bảo đảm trên cơ sở đối chiếu, bình luận quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự VN và CHLB Đức. Những bài học kinh nghiệm quốc tế có được cùng với nội dung trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng, giúp ích cho các cơ quan xây dựng pháp luật của Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi với những nguyên lý then chốt và xuyên suốt của pháp luật dân sự, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng chế định về giao dịch bảo đảm có tính ổn định và tính khả thi cao, phát huy vai trò và ý nghĩa trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm