Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

28/10/2009
Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)
Sáng nay, 28/10/2009, trước khi đoàn đàm phán của Chính phủ hai nước  Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) bắt đầu Vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã thân mật  tiếp Đoàn.

Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên nhiệt liệt chào mừng Đoàn cán bộ liên ngành của Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên sang Việt Nam để đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, coi đây là một  hoạt động quan trọng, góp phần đưa hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Việc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định này đồng thời là một trong các hoạt động quan trọng nhằm triển khai Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược,[i] vừa được ký nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak mới đây, từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 10 năm 2009.  

Hai bên bày tỏ vui mừng về việc từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, hai bên đã trở thành đối tác quan trọng của nhau và đang phấn đấu trở thành đối tác toàn diện trong thế kỷ 21, thể hiện qua việc các nhà lãnh đạo hai nước vừa quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên thành quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược  trong chuyến thăm chính thức Việt Nam gần đây của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.

 Thay mặt phía Hàn Quốc, Trưởng đoàn đàm phán - Ông  TAE Junyoul, Vụ trưởng Vụ Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ vui mừng được sang Việt Nam đàm phán Hiệp định, tới thăm Bộ Tư pháp và tiếp kiến Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, cảm ơn sự đón tiếp thân tình và những tình cảm tốt đẹp mà lãnh đạo và cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam đã dành cho Ðoàn. 

 Hai bên tin tưởng rằng, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước, nếu được ký kết, sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, bên cạnh Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003) và Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009), đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa hai nước nói riêng cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc  nói chung, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước. Việc thiết lập quan hệ tương trợ tư pháp còn thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hàn Quốc, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang diễn ra trong các ngày 28-30/10/2009 tại Hà Nội, Việt Nam. Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam do Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn; đoàn của Chính phủ Hàn Quốc do Ông  TAE Junyoul, Vụ trưởng Vụ Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Tham gia đoàn đàm phán, ngoài các cán bộ của Bộ Tư pháp, còn có đại diện Toà án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ. Dự kiến tại vòng đàm phán thứ nhất này, hai bên sẽ thảo luận các nội dung tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại trên cơ sở Dự thảo Hiệp định do Bộ Tư pháp Việt Nam chuẩn bị, được xây dựng dựa trên Dự thảo do phía Hàn Quốc đề xuất, căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tương trợ tư pháp và trên cơ sở tham khảo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước khác, đặc biệt là các Hiệp định mới được ký gần đây với Trung Quốc và các nước phát triển.

 Cụ thể, Dự thảo Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc điều chỉnh các vấn đề mang tính nguyên tắc, thủ tục tương trợ tư pháp và dẫn chiếu đến luật tố tụng và nội dung của quốc gia ký kết, chứ không đề ra những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền như các Hiệp định ta đã ký với các nước XHCN trước đây. Xu hướng ký kết Hiệp định TTTP theo từng lĩnh vực chuyên ngành (hoặc chỉ chuyên về hình sự, dẫn độ, hoặc chuyên về tố tụng dân sự), không quy định xen kẽ, lồng ghép nhiều lĩnh vực với nhau, đang được các quốc gia và các tổ chức quốc tế ngày càng chú trọng. Dự thảo Hiệp định loại này có ưu thế là đơn giản và dễ thống nhất. Đây cũng là mô hình các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với Trung Quốc, Pháp, hay Dự thảo Hiệp định đang và sẽ được đàm phán với Vương quốc Anh, An-giê-ri, Cam-pu-chia.

Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại quy định trong Dự thảo Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Hàn Quốc phù hợp với Luật Tương trợ tư pháp và Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam, bao gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung thêm một chương về công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài. Đây là một trong các nội dung quan trọng đã được quy định tại tất cả các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với các nước khác. 

Thông tin về kết quả vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc sẽ tiếp tục được cập nhật./.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp


[i] Phần 4 Bản Tuyên bố chung nêu rõ về Hợp tác tư pháp – lãnh sự giữa hai nước như sau: Hai bên nhất trí về tính cần thiết phải mở rộng quan hệ hợp tác lãnh sự để đáp ứng sự gia tăng về giao lưu con người giữa hai nước. Hai bên thoả thuận tiến hành các biện pháp cần thiết để sớm phê chuẩn Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù và thúc đẩy ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống tương trợ tư pháp giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục quan tâm xem xét các biện pháp đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực cho công dân của nhau.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, hai bên cam kết tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam”.