Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Thành Long cho rằng, Luật Thủ đô “có nội dung phức tạp phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội” nhưng tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII chưa thông qua. Do đó cần tiếp tục có thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để dự án Luật Thủ đô có thể được hoàn thiện phù hợp.
Qua theo dõi tình hình thảo luận của các đại biểu Quốc hội và các thông tin khác, Thường trực Tổ Biên tập sơ bộ nhận định, Dự án LTĐ chưa được QH khóa XII thông qua vì việc soạn thảo dự án LTĐ phải thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành nên khó có thể qui định cơ chế “mạnh” khác hẳn với cơ chế đang áp dụng chung cho các tỉnh, TP khác trong cả nước, đặc biệt là trong quản lý đô thị và tổ chức chính quyền TP.
Việc qui định cho Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù, khác với qui định của nhiều đạo luật hiện hành “khó có thể nhận được sự đồng thuận chung từ các địa phương khác, cũng như của bản thân người Hà Nội, khó dung hòa để đảm bảo hợp lý”. Ngoài ra, việc xác định cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng đối với toàn bộ TP.Hà Nội hay chỉ áp dụng riêng cho từng vùng đô thị hoặc nông thôn ngoại thành cũng là vấn đề phức tạp trong quá trình xây dựng dự thảo LTĐ.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến xung quanh định hướng về qui định phân cấp cho các cấp quản lý Nhà nước đối với các vấn đề của Thủ đô, các cơ chế, chính sách cho Thủ đô, phạm vi, lĩnh vực cần qui định cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó tập trung vào vấn đề quản lý nhà nước, các lĩnh vực đầu tư, tài chính, đất đai…, địa bàn áp dụng khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra hai cơ chế quản lý khác nhau trong quản lý. Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh hướng tiếp cận, kết cấu, tên gọi, nội dung một số điều khoản và cách diễn đạt của dự án LTĐ để có “mạch” xuyên suốt, dễ tiếp cận và rõ ràng hơn… tránh gây tâm lý cho rằng “LTĐ sẽ biến Thủ đô thành “khu tự trị” trong một nhà nước đơn nhất”.
H.Giang