Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng bình đẳng giới của ngành Tư pháp

22/12/2011
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng bình đẳng giới của ngành Tư pháp
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, sáng nay (22/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng bình đẳng giới của ngành Tư pháp và xây dựng Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.  Ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà Dương Thị Thanh Mai, Chuyên viên cao cấp, bà Socorro Reyes, chuyên gia của UN Woman, Tổ chức phụ nữ của Liên hợp quốc và đông đảo đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án đã đến tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong và ngoài ngành Tư pháp để hoàn thiện Báo cáo đánh giá thực trạng công chức nữ và bình đẳng giới trong Ngành; thông tin, giới thiệu Bộ công cụ lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thu nhận ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Bộ công cụ.

 

 

Báo cáo thực trạng bình đẳng giới trong ngành Tư pháp tại Hội thảo, ông Trần Văn Quảng cho biết, thực hiện Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) Việt Nam giai đoạn 2006-2010, Kế hoạch hành động VSTBPN ngành Tư pháp giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010, Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu VSTBPN trong giai đoạn 2001-2010 của Bộ, ngành Tư pháp. Cùng với đó, thông qua các hoạt động chuyên môn như xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý… Bộ Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu VSTBPN Việt Nam nói chung.

 

 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, đóng vai trò quan trọng, tham gia vào tất cả các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nữ được thụ hưởng bình đẳng với công chức nam trong công việc thông qua việc bố trí sắp xếp việc làm phù hợp, dành thời gian hợp lý cho gia đình và chăm sóc con cái; trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ để có thể phát triển toàn diện…

Hội thảo còn được nghe bà Dương Thị Thanh Mai giới thiệu tổng quan về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (LGVĐBĐG) trong xây dựng pháp luật và các ý kiến trao đổi góp ý của các đại biểu tham dự. Theo đó, LGVĐBĐG là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng việc đưa các vấn đề bình đẳng giới vào trong tất cả các thiết chế và các lĩnh vực của đời sống như chính trị, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, môi trường… Điều quan trọng là phải tạo ra được sự quan tâm của xã hội và thực hiện việc LGVĐBĐG trong việc tạo lập, thực hiện, kiểm tra và đánh giá các chính sách, chương trình trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội để phụ nữ và nam giới có thể thụ hưởng các lợi ích như nhau, qua đó chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới.

 

 

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ Trưởng Lê Hồng Sơn chia sẻ, Bộ Tư pháp có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ ngày càng được mở rộng, đội ngũ cán bộ được tăng cường, vị thế của Bộ ở trung ương và địa phương ngày càng được khẳng định. Trong thành công chung đó có sự tham gia của đội ngũ cán bộ nữ đã đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của toàn Ngành.

Bộ, ngành Tư pháp luôn có ý thức trách nhiệm cao đối với việc thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và hiện nay là bình đẳng giới. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị trí, vai trò của nữ giới trong ngành Tư pháp, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành và thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nói chung. Luật Bình đẳng giới được ban hành đã xác định rõ thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp có trách nhiệm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua việc LGVĐBĐG vào hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý các công tác tư pháp và các nhiệm vụ chuyên môn khác của Bộ, ngành Tư pháp.

 

 

Thứ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía UNDP để Bộ Tư pháp có thể tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đạt mục tiêu cao hơn nữa trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng.

T/N