Tọa đàm về tổng kết thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và đề xuất những nội dung cần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm

19/12/2011
Tọa đàm về tổng kết thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và đề xuất những nội dung cần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm
Thực hiện hoạt động hợp tác năm 2011 giữa Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, ngày 14/12, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Tọa đàm tại Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung “Tổng kết thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và đề xuất những nội dung cần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch về xử lý tài sản bảo đảm”.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Cục Thi hành án dân sự và một số Chi cục Thi hành án dân sự, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng và các tổ chức hành nghề công chứng, bán đấu giá, luật sư... trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe tham luận của đại diện cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng, các đại biểu dự Tọa đàm đã phát biểu nhiều ý kiến về sự cần thiết phải xây dựng cơ chế xử lý tài sản bảo đảm thực sự hiệu quả, tiết kiệm chi phí và công sức cho các bên. Thực tiễn cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất của các tổ chức tín dụng chính là khả năng thu hồi vốn vay thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm. Từ những vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua, các đại biểu tham dự Tọa đảm đề nghị Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này, trong đó đặc biệt là các nội dung như: tăng khả năng tiếp cận hợp pháp tài sản bảo đảm từ phía bên nhận bảo đảm; việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên nhận chính tài sản bảo đảm; sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực thi thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm...

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Tọa đàm, đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cũng đã giải trình, tiếp thu và làm rõ những vấn đề về tổ chức thực thi các thỏa thuận liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua, cũng như những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn trong thời gian tới.

Dương Thị Thu Trang